Nan giải bài toán học sinh tăng, giáo viên thiếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi số học sinh tăng, lượng giáo viên thiếu hụt tăng theo, nhất là giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật… trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nan giải bài toán học sinh tăng, giáo viên thiếu ảnh 1
Thiếu giáo viên đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, số học sinh năm học 2022- 2023 tăng gần 70.000 em và đang thiếu gần 15.000 giáo viên nhưng khó tuyển đủ chỉ tiêu.

Thiếu giáo viên, khó tuyển bổ sung

Năm học 2022-2023, Đồng Nai có trên 743.600 học sinh ở các bậc học, tăng thêm 22.400 em so với năm học trước. Trong khi đó, tỉnh này đang thiếu hơn 5.600 giáo viên ở các cấp học.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Biên Hòa, cho biết, địa phương này có quy mô trường lớp và số lượng học sinh lớn nhất tỉnh. Tại phường Trảng Dài (TP Biên Hòa), trường THCS Trảng Dài, sĩ số học sinh lớp 6 mới tuyển trung bình là 49 em/lớp; Trường Tiểu học Trảng Dài, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học dự kiến từ 50 em/lớp. Phường này có 3 trường tiểu học với tổng số học sinh trên 12.000 em. Dù số lượng học sinh tăng nhưng giáo viên lại đang thiếu và việc tuyển dụng bổ sung cho năm học mới luôn gặp nhiều khó khăn.

“Năm học 2022-2023, TP Biên Hòa cần tuyển thêm 179 giáo viên. Tuy nhiên, một số bộ môn dự tuyển có số lượng đăng ký ít so với nhu cầu tuyển dụng như: giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn Địa, Tin học, Sinh, Sử, Nhạc, Mỹ thuật…”, ông Minh nói. Năm học nào UBND TP Biên Hòa cũng chỉ đạo tuyển dụng giáo viên tương đối sớm nhưng chưa năm nào tuyển đủ giáo viên được giao, dù ở thành phố có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác.

Tương tự, huyện Nhơn Trạch là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN), tỷ lệ học sinh tăng nhiều hằng năm nên năm nào huyện cũng tuyển giáo viên nhưng chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Hứa Bửu Hổ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhơn Trạch, cho hay, khó nhất vẫn là tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục. “Năm học 2022-2023 sẽ có thêm lớp 3 và 7 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, nhu cầu giáo viên các bộ môn sẽ tăng. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng nhưng chắc chắn sẽ khó tuyển đủ theo nhu cầu”, ông Hổ nói. .

Tại TPHCM, năm học 2022 - 2023 dự kiến tăng 21.825 học sinh, gồm 15.282 học sinh công lập và 6.543 học sinh ngoài công lập. Số học sinh tăng tập trung ở một số nơi như TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn do đây là các khu vực đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học rất cao. Ngoài việc số học sinh tăng cao dẫn đến thiếu trường, lớp, hiện nay một số nơi gặp khó trong việc tuyển giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Năm học 2022 - 2023, TPHCM có nhu cầu tuyển 892 giáo viên khối mầm non, 2.355 giáo viên tiểu học và 1.698 giáo viên THCS, 296 giáo viên THPT.

Tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết, năm học 2022-2023, địa phương có 742 trường, tăng 11 trường với tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT dự kiến tăng thêm 29.922 em so với năm học 2021-2022. Năm học trước, Bình Dương có tổng số 15.207 giáo viên thuộc các cơ sở công lập, so với quy định toàn ngành thì còn thiếu 2.004 giáo viên. “Năm nay, Bình Dương có hơn 500 giáo viên nghỉ việc. Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh cần bổ sung khoảng 3.500 giáo viên”, ông Phong nói.

Cần có cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên

Lương thấp, nghĩa vụ cao, nhiều áp lực khiến không ít sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm không muốn theo nghề. Không ít giáo viên đi dạy một thời gian thì cũng bỏ nghề.

Theo báo cáo về việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học trên địa bàn, Sở GD&ĐT TPHCM nhận định, lương của giáo viên tiếng Anh còn thấp (lương của giáo viên mới ra trường khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng), trong khi số tiết dạy nghĩa vụ còn tương đối cao (23 tiết/tuần) nên các quận, huyện rất khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt là ở các vùng xa xôi, khó khăn. Ở các nơi này, việc tuyển giáo viên tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như là không thể thực hiện được.

Tại Ðồng Nai, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hiện nay nhiều trường tiểu học phải “chữa cháy” bằng hình thức phân công giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm luôn các bộ môn Âm nhạc, Kỹ thuật, đồng thời “trưng dụng” các giáo viên bộ môn khác nhưng giỏi về Tin học dạy cả Tin học…

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, nhân sự được đào tạo để trở thành giáo viên Tin học hay tiếng Anh, sau khi ra trường thì có nhiều sự lựa chọn giữa đi dạy hoặc đi làm ngành khác. Nhiều người chọn đi làm bên ngoài ngành dẫn đến nguồn giáo viên ở 2 bộ môn này thiếu trầm trọng. Tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất đang diễn ra tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ. Ông Minh cho biết, Sở GD&ĐT TPHCM đang đặt hàng các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho các bộ môn bị thiếu hoặc khó tuyển giáo viên. Các trường cũng tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho nghệ sĩ, nghệ nhân tốt nghiệp đại học về chuyên ngành để giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, Sở tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường đại học sư phạm để đào tạo và cung cấp cho tỉnh giáo viên những môn học đang bị thiếu, trong đó có giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn: Nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh…

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.