Ngày 6/5, tại Trường THPT Tân Bình, báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học với chủ đề “Overthinking của gen Z: Làm sao để vượt qua?”.
MC, diễn viên Hiếu Nguyễn dẫn dắt chương trình, giao lưu với các em học sinh Trường THPT Tân Bình, TPHCM |
Tại chương trình, các em học sinh đã mạnh dạn chia sẻ những vấn đề các em đang gặp phải. Minh Huy, học sinh lớp 10 cho hay, áp lực đồng trang lứa là một trong những vấn đề khiến nam sinh này suy nghĩ nhiều nhất. “Em thấy xung quanh ai cũng học giỏi hơn em, điểm số cao hơn em. Rồi chơi thể thao, tham gia các hoạt động...ai cũng hay hơn em khiến em rất áp lực. Nhiều lần, em tìm cách để vượt qua các suy nghĩ đó nhưng không được” - Minh Huy kể và cho biết những suy nghĩ này cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần khiến em mất ăn, mất ngủ.
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mai Quyên, giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM cho biết, bất kỳ ai cũng đều có thể mắc hội chứng Overthinking.
Dẫn chứng một vài dấu hiệu của Overthinking, thạc sĩ Mai Quyên cho biết, có sự việc nào đó khiến chúng ta phải suy nghĩ, đặt câu hỏi. Việc này lặp đi, lặp lại dẫn đến đảo lộn nhịp sinh hoạt như mất ăn, mất ngủ, rối loạn lo âu, căng thẳng cao độ, thiếu tập trung…
Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mai Quyên giải đáp các thắc mắc của học sinh |
Theo chuyên gia này, nếu rơi vào trường hợp trên, các em hãy nhớ rằng mình không hề đơn độc và mạnh dạn chia sẻ với người thân, bạn bè, thầy cô… để được giúp đỡ.
“Đối với áp lực học tập, cách giải quyết trước mắt là các em có thể vận động để giải tỏa năng lượng tiêu cực trong người; chia nhỏ thời gian học như học 25 phút nghỉ 5 phút, đừng đặt mục tiêu học 1 - 2 tiếng mới nghỉ. Trong 5 phút nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể, các em không nên sử dụng điện thoại hay mạng xã hội vì có thể sẽ dẫn tới sự trì hoãn của bản thân. Các em phải để đầu óc của mình thật sự thoải mái…” - thạc sĩ Mai Quyên mách nước.
Áp lực chọn ngành, chọn nghề
Ngoài áp lực đồng trang lứa, nhiều học sinh lớp 12 của Trường THPT Tân Bình bày tỏ bị áp lực về thi cử, nhất là băn khoăn trong việc chọn ngành, chọn nghề…
Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ Trần Mạnh Thái – Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ: việc lựa chọn ngành nghề tiến đến lựa chọn ngành học, trường học là vấn đề không chỉ học sinh lớp 12 mà lớp 10, lớp 11 cũng cần lưu tâm.
Với kinh nghiệm 20 năm làm công tác hướng nghiệp, ông Thái cho biết, có nhiều sinh viên học đến năm thứ 2 - 3 phải bỏ dở vì chọn ngành nghề không phù hợp.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái hướng nghiệp cho các em học sinh để tránh việc bỏ dở đại học giữa chừng |
“Lựa chọn ngành học thì các em phải xác định việc mình muốn làm là gì. Để làm công việc đó, các em phải đáp ứng được yếu tố kiến thức, kỹ năng, yêu cầu gì... Lúc đó, các em mới xác định được học ngành gì phù hợp rồi tiếp đến mới chọn trường phù hợp…” - ông Thái nói và cho biết trong thực tế, có nhiều em đang làm ngược trong hướng nghiệp đó là chọn trường rồi mới chọn ngành để rồi ra trường mới đi tìm việc làm nên dẫn đến thực trạng bỏ học giữa chừng hay ra trường vất vả tìm kiếm việc làm…
Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn diễn giả đồng hành cùng chương trình |
Ông Thái cũng khuyến cáo các em học sinh lớp 12 hiện tại đã trúng tuyển sớm vào các trường đại học đừng chủ quan, lơ là ôn tập bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng. Nếu rớt kỳ thi này thì dù các em có đỗ hàng trăm trường đại học cũng không có giá trị.
Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ dự án "Trường học Lành mạnh nhất AIA" mà AIA Việt Nam đang thực hiện từ tháng 8/2022.
Dự án nhằm hướng đến những thói quen sống khỏe bằng việc khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động và tạo dựng sự bền vững trong môi trường học đường.