Gen Z khủng hoảng tâm lý học đường: Hãy lắng nghe trước khi quá muộn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bị khủng hoảng tâm lý, có học sinh đã phải dùng đến thuốc an thần và hiện nay em này không biết làm gì để tự cứu mình. Một số em khác vì áp lực gia đình, áp lực học tập sinh ra tâm lý khủng hoảng. Nhiều em cảm thấy lạc lõng với chính ba mẹ của mình và cầu cứu các chuyên gia...
Gen Z khủng hoảng tâm lý học đường: Hãy lắng nghe trước khi quá muộn ảnh 1

Học sinh hào hứng tham gia chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" sáng ngày 26/2 (Ảnh: Ngô Tùng)

Sáng 26/2, tại trường THPT Lương Văn Can (quận 8, TPHCM), báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học với chủ đề Overthinking của Gen Z: “Làm sao để vượt qua?”.

Nhiều bất ổn tâm lý

Gửi đến chương trình, H (học sinh trường THPT Lương Văn Can) cho biết: Từ năm 2018, em hay bị mắc những nỗi sợ tâm lý như luôn suy nghĩ mọi thứ trở nên quá mức. Từ năm 2022, học sinh này trải qua cảm giác lạc lõng, không thể chia sẻ cũng như không thể nói mà chỉ còn biết im lặng cả trong thời gian dài.

"Em không biết bản thân có tự diễn quá mức không? Nhiều người cho là do em suy nghĩ nhiều. Không ai gây áp lực lên em hoặc nếu có là do tự em tạo ra. Có thời gian dài, em phải dùng thuốc an thần để ổn định tinh thần. Em không biết phải làm gì để tự cứu mình?” - H. bộc bạch.

Cũng rơi vào tình trạng trên, K (học sinh trường THPT Lương Văn Can) tự nhận mình đang mắc phải chứng rối loạn lo âu khiến em gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với bạn bè.

Gen Z khủng hoảng tâm lý học đường: Hãy lắng nghe trước khi quá muộn ảnh 2

Diễn giả giao lưu với học sinh tại chương trình (Ảnh: Ngô Tùng)

“Em thấy khó gần với bạn bè và những người xung quanh. Em lo lắng khi phải bắt chuyện với mọi người vì sợ mình nói gì đó người khác cho là dở hơi. Vậy nên, hiếm khi nào em bắt chuyện, trò chuyện với mọi người. Em chỉ biết ngồi một góc đọc sách, nghịch điện thoại hoặc nhìn mọi người. Hậu quả là em ít nói hơn với chính con người thật của em, có ít bạn và khó gần. Em phải làm gì để thoát ra?” - K. băn khoăn.

Một số học sinh chia sẻ, do bị áp lực từ phía gia đình và áp lực học tập, nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần mà sinh ra tâm lý khủng hoảng, lo âu.

Chương trình cũng đã nhận được rất nhiều chia sẻ của các em học sinh, như: Muốn học đại học nhưng thấy vượt quá khả năng tài chính của gia đình; có nhiều em vẫn chưa biết mình thích ngành gì, học ở đâu vì cảm thấy việc gì mình cũng không làm tốt; có những em bị áp lực và lạc lõng với chính ba mẹ của mình vì suy nghĩ nhiều về chuyện tương lai...

Bí quyết vượt qua chính mình

Theo Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hữu Long - Giảng viên trường ĐH Mở TPHCM, overthinking là suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề nào đó và làm trầm trọng vấn đề đó lên. Nguyên nhân quan trọng nhất là do chính bản thân mỗi em học sinh chưa kiểm soát được những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Các em đều đang ở độ tuổi dậy thì, chưa được va chạm nhiều trong cuộc sống nên chưa có kinh nghiệm. Đồng thời, tính cách và tố chất con người của các em vẫn chưa đủ khả năng để giải quyết vấn đề.

“Kỹ năng sống chưa tốt như không nói chuyện với ai, ngại mở lời với người khác... Việc các bạn không nói được sẽ dồn ứ vào con người mình. Não bộ con người cũng vậy. Nạp vào nhiều quá mà không tải ra thì việc suy nghĩ về các môn học cũng chậm chạp hơn vì não chứa nhiều thứ quá” -TS Long chia sẻ và khuyên các em thứ nào không thuộc về mình thì đừng nên suy nghĩ nhiều.

Gen Z khủng hoảng tâm lý học đường: Hãy lắng nghe trước khi quá muộn ảnh 3

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hữu Long - Giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM chia sẻ với học sinh (Ảnh: Ngô Tùng)

Theo chuyên gia này, một nguyên nhân khác góp phần tạo ra hội chứng này là những tác động từ bên ngoài. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, nếu biết càng nhiều mà không kiểm soát được thì sẽ càng khổ. Ông khuyên các em học sinh: "Tùy vào từng giai đoạn, mình nên biết cái gì và không cần biết cái gì".

Thạc sĩ Tâm lý Phạm Đình Khanh - giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã đưa ra những giải pháp giúp các em vượt qua nỗi sợ tâm lý, như: viết ra những nỗi sợ của mình; hít thở sâu để điều hòa cảm xúc và đối mặt với những dòng suy nghĩ hỗn độn bằng cách tự đặt cho mình những câu hỏi như suy nghĩ đó có đang giúp ích hay không giúp ích cho bản thân? Mình đang suy nghĩ một cách thực tế hay đó là suy diễn? Điều gì mình có thể kiểm soát và điều gì mình không thể kiểm soát vấn đề đó…

; Gen Z khủng hoảng tâm lý học đường: Hãy lắng nghe trước khi quá muộn ảnh 4

Thạc sĩ Tâm lý Phạm Đình Khanh - giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ những bí quyết để học sinh thoát khỏi overthinking (Ảnh: Ngô Tùng)

“Khi tự quan sát mình để nhận diện được cảm xúc và các trạng thái mình có, thậm chí việc viết ra khiến cơ tay hoạt động... sẽ giúp các bạn giải tỏa stress và định hình được mình cần gì, làm gì. Ngoài ra, chúng ta có thể chạy “trốn” để chuyển những suy nghĩ thành các hoạt động sở thích như chơi thể thao, nói chuyện với một ai đó, làm việc nhà, xem một bộ phim để tách mình khỏi những dòng suy nghĩ này,...” - Thạc sĩ Khanh nói.

Chia sẻ thêm về giải pháp vượt qua khủng hoảng tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long cho rằng, các em nên thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc thực của mình với bố mẹ, không nên giữ trong lòng rồi làm theo hướng khác.

“Mình cần phải quản lý bản thân mình trước tiên. Lúc nào cũng phải có những suy nghĩ tích cực hơn với cuộc sống từ mọi vấn đề để giải quyết. Nếu mình không làm được thì có thể nhờ người khác hỗ trợ. Nếu kiểm soát được như vậy, tôi chắc chắn hội chứng overthinking không đến và không gây tác hại với các bạn” - TS Long khẳng định.

Gen Z khủng hoảng tâm lý học đường: Hãy lắng nghe trước khi quá muộn ảnh 5

BTC tặng hoa cảm ơn các diễn giả (Ảnh: Ngô Tùng)

Chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" do Báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TPHCM, Nam Á Bank tổ chức.

Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề...

MỚI - NÓNG