Sáng 15/11, tại Trường THPT Marie Curie, TPHCM, báo Tiền Phong cùng AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM đã phát động triển khai chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường“Đưa chuyên gia đến với trường học”.
Đến dự chương trình có đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đông đảo các em học sinh trung học phổ thông…
Đưa chuyên gia uy tín đến với học đường
Nhà báo Lý Thành Tâm phát biểu tại chương trình. Ảnh: Phạm Nguyễn. |
Phát biểu phát động chương trình, nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM - nhìn nhận trước thực trạng giới trẻ, đặc biệt là học sinh gặp các vấn đề về tâm lý như overthinking (suy nghĩ thái quá), áp lực trong học tập, bạo lực học đường, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội, xâm hại tình dục, nhiều học sinh có dấu hiệu trầm cảm, mất phương hướng, bi quan. Do đó, các em rất cần được lắng nghe, chia sẻ từ người lớn, chuyên gia tâm lý có uy tín.
Từ vấn đề này, báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Mở TPHCM và Nam A Bank cùng nhau tổ chức chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học”.
Đại diện báo Tiền Phong và các đối tác đồng hành chương trình sẽ phối hợp đưa các chuyên gia giàu kinh nghiệm chuyên môn đến các trường. |
Theo nhà báo Lý Thành Tâm, trong năm học 2023 - 2024, các chuyên gia tâm lý sẽ đến 20 trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như câu chuyện ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề...
“Thông qua đó, chương trình giúp các em học sinh có thêm kỹ năng để vượt qua tâm lý, tự tin giải quyết các vấn đề của mình và tập trung học tập một cách tốt nhất, để tự tin bước vào ngưỡng cửa đại học và sau này ra đời trở thành công dân có ích”, ông Lý Thành Tâm chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Dũng (báo Tiền Phong) thông tin kế hoạch triển khai chương trình "Đưa chuyên gia đến với trường học". |
Sống khỏe hơn, lâu hơn và hạnh phúc hơn
Đại diện đơn vị đồng hành chương trình, ông Phùng Bá Khang - Phó Tổng Giám đốc Marketing và Hoạch định giá trị cam kết, AIA Việt Nam - cho biết tháng 2/2022, AIA ra mắt sáng kiến AIA One Billion nhằm khuyến khích 1 tỷ người sống khỏe hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn trên toàn châu Á vào năm 2030. Từ đó, AIA đã xây dựng nhiều chương trình đồng hành cùng người Việt Nam trên hành trình sống khỏe cả về thể chất, tinh thần và tài chính.
Đến tháng 8/2022, chương trình “Trường học lành mạnh nhất AIA” ra đời với mục tiêu hỗ trợ các học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 16 có thói quen sống khỏe bằng cách khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động, tinh thần tốt cũng như sức khỏe và sự bền vững trong môi trường học đường.
Ông Phùng Bá Khang chia sẻ về các dự án ý nghĩa của AIA đối với cộng đồng. |
Cũng theo ông Khang, tại Việt Nam, AIA thực hiện hành tình đem “Trường học lành mạnh nhất AIA” đến 30 điểm trường trên cả nước và nhận ra sức khỏe tinh thần là chủ đề nổi cộm và được các trường học dành nhiều sự quan tâm.
“Thông qua chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học”, chúng tôi tin rằng vấn đề sức khỏe tinh thần sẽ được chú trọng nhiều hơn nữa không chỉ ở nhà trường và phụ huynh mà còn ở cả cộng đồng”, ông Khang nói và cho biết chương trình cũng đồng thời có thể hỗ trợ nâng cao kiến thức về sức khỏe tinh thần cho các em học sinh, giúp các em hiểu về bản thân, cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó hướng đến cuộc sống khỏe hơn, lâu hơn và hạnh phúc hơn.
Cần quan tâm chuyên sâu đến tâm lý trẻ em yếu thế
Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - đánh giá đây là một chương trình rất mới. Theo ông Thắng, hiện nay vấn đề liên quan đến trẻ em, học đường đang được xã hội rất quan tâm. Đây cũng là chủ đề dễ gây phản ứng trái chiều trên cả không gian mạng và cả trong đời thực. Do đó, cần truyền thông thật tốt để định hình tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em học đường.
Ông Phạm Anh Thắng trao đổi tại chương trình phát động. Ảnh: Phạm Nguyễn. |
Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao sáng kiến của báo Tiền Phong cùng các đơn vị phối hợp và đặc biệt với sự tham gia của các chuyên gia lành nghề, giàu kinh nghiệm thực tiễn và lý luận ở các trường để chia sẻ với các bạn trẻ.
Ông Phạm Anh Thắng cho biết, hiện cả nước có gần 100 triệu dân, trong đó có gần 27 triệu trẻ em. Bằng các hành lang pháp lý, nhà nước ta đã quan tâm toàn diện đến các em, tuy nhiên vẫn còn có nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt.
"Chính vì thế, chúng tôi mong muốn Ban tổ chức chương trình bên cạnh chăm lo tâm lý học đường cũng cần quan tâm chuyên sâu đến tâm lý trẻ em yếu thế, khuyết tật. Trong đó đối với trường học cần phòng chống bạo lực học đường, xâm hại, đặc biệt chú trọng việc ưu tiên yếu tố phòng ngừa; đồng thời cũng phải phòng chống tai nạn thương tích”, ông Phạm Anh Thắng nhấn mạnh.