Lý do phụ huynh và giáo viên cũng cần tư vấn tâm lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TS. xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng việc tư vấn tâm lý không chỉ cần với học sinh, mà phụ huynh và giáo viên cũng có những vấn đề tâm lý cần được lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ.

Sáng 15/11, tại Trường THPT Marie Curie, TPHCM, báo Tiền Phong cùng AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM đã phát động triển khai chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường “Đưa chuyên gia đến học đường”.

Chia sẻ tại chương trình, ThS Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM - cho rằng, các hoạt động trong nhà trường đóng vai trò quan trọng nhằm hướng đến giáo dục toàn diện các em học sinh, thông qua việc “vừa dạy chữ, vừa dạy người”.

Lý do phụ huynh và giáo viên cũng cần tư vấn tâm lý ảnh 1

ThS. Lê Thị Hồng Anh trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Theo bà Hồng Anh, vấn đề đặt ra là làm sao để học sinh tự tin chia sẻ với thầy cô ở các phòng tâm lý học đường, bởi thực tế hiện nay vẫn có tình trạng học sinh chưa tự tin giãi bày tâm lý với các thầy cô của mình hoặc tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường.

“Thực tế, ở độ tuổi này, các em sẽ có nhiều câu hỏi tại sao, với những lý do như tại sao mình nhắn tin mà bạn không trả lời, tại sao ba mẹ la mình, tại sao mình bị điểm thấp?”, ThS.Hồng Anh nói và cho rằng các em dù có nhiều băn khoăn nhưng không dám chia sẻ cũng vì sợ thông tin mình chia sẻ sẽ có nhiều người biết đến, nỗi lòng của mình sẽ không được đồng cảm.

Cũng theo nữ cán bộ giáo dục, khi gặp vấn đề, các em không tìm người hỗ trợ, chia sẻ mà có xu hướng tự mình giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực hay các vấn đề trầm trọng hơn.

“Do đó, để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, sự phối hợp giữa Ban giám hiệu nhà trường với các thầy cô tư vấn tâm lý rất cần thiết, tránh để các thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường tự thân vận động. Ngoài ra, Ban giám hiệu còn là cầu nối kết nối với các thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh”, ThS. Lê Thị Hồng Anh nói thêm.

Cũng theo bà, các thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường cũng phải nắm bắt kịp thời, đổi mới phương pháp tư vấn để gần gũi học sinh. Cùn với đó là hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ cho chính sách tư vấn tâm lý.

Tư vấn tâm lý cho các nhóm nhỏ, từng học sinh

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện tại TPHCM - cho rằng chương trình “Đưa chuyên gia đến với trường học” sẽ làm cho cả xã hội, cha mẹ, thầy cô quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của học sinh - vấn đề đang là tiếng chuông báo động.

Lý do phụ huynh và giáo viên cũng cần tư vấn tâm lý ảnh 2

TS. Phạm Thị Thúy.

TS. Thúy cho biết, trong quá trình tham vấn tâm lý gần đây bà đã gặp rất nhiều trường hợp trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí là các em bị áp lực không học tập được dù trước đó thành tích học tập đứng đầu lớp…

“Khi trong lòng không yên không ổn, thì trẻ em giống như nồi áp suất bị nén nhiều cảm xúc, nhất là các em học sinh cấp 3, nhiều em bị mất định hướng về tương lai, cảm thấy bất ổn, không biết ra trường làm gì, sẽ học gì…”, vị chuyên gia cho hay.

Nói về chương trình, TS. Phạm Thị Thúy cho rằng, không chỉ tổ chức chia sẻ, tư vấn ở sân trường cho toàn thể học sinh, mà các chuyên gia mong muốn có thể tư vấn tâm lý ở các nhóm nhỏ, thậm chí là từng học sinh.

Theo bà, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tuyển vị trí tư vấn tâm lý học đường, do đó sẽ giúp cho các trường làm tốt việc này. Bởi hiện nay ở một số trường, giáo viên thường kiệm nhiệm làm công tác tâm lý và hoạt động kém hiệu quả do không có chuyên môn chuyên sâu và học sinh cũng không mặn mà tìm đến phòng tư vấn tâm lý.

“Không chỉ tư vấn tâm lý cho học sinh, chuyên viên tư vấn tâm lý nên tư vấn cho cả giáo viên và phụ huynh vì phụ huynh và giáo viên cũng có nhiều bức bối cần được lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ”, vị chuyên gia lưu ý.

Lý do phụ huynh và giáo viên cũng cần tư vấn tâm lý ảnh 3

HLV Tegan Burling chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Từ kinh nghiệm công việc chuyên môn, bà Tegan Burling - Huấn luyện viên Câu lạc bộ Tottenham Hotspurs, Đại sứ thương hiệu toàn cầu của AIA - khẳng định sức khỏe tinh thần của mỗi người ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ xung quanh mình. Khi sức khỏe tinh thần của mình tốt thì sẽ lan tỏa đến những người xung quanh, đồng thời cũng giúp việc học tập hiệu quả hơn.

Để có sức khỏe tinh thần tốt, HLV Tegan Burling đề nghị mỗi người luyện tập thể dục thể thao bằng những việc đơn giản như chạy bộ, đi bộ tới trường; duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ…

“Mỗi người cũng nên thực hiện thói quen đặt mục tiêu ưu tiên cho mình, chẳng hạn như mỗi khi thức dậy cần dọn dẹp giường ngủ sạch sẽ, gọn gàng. Cùng với đó, bản thân cũng cần lạc quan”, bà Tegan Burling chia sẻ.

MỚI - NÓNG