Chuyên gia bày lời khuyên thoát rối loạn tâm lý học đường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Hãy trân quý sự sống, yêu thương bản thân của mình. Các em hãy dũng cảm, mạnh dạn chia sẻ những bức bối của cuộc sống, của bản thân. Cuộc sống của chúng ta còn tươi đẹp lắm” - Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ gửi gắm.

Trong chương trình giao lưu tại tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ Rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng COVID-19” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 4/3, các chuyên gia tâm lý đã chia sẻ những câu chuyện của chính mình, cũng như những lời khuyên tâm huyết dành cho các bạn trẻ.

Chuyên gia bày lời khuyên thoát rối loạn tâm lý học đường ảnh 1

Các học sinh tham gia trò chơi tương tác

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo chia sẻ về trường hợp phụ huynh của một học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đến xin bảo lưu kết quả học tập của con. Vừa mở lời, người mẹ đã bật khóc vì con mình không thể tiếp tục học tập năm lớp 10 do bị trầm cảm sau thời gian học trực tuyến quá lâu.

Theo lời người mẹ, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, học sinh này có học lực giỏi. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi còn là học sinh lớp 9, em không đến trường được mà học trực tuyến. Sau những giờ học online, em có dấu hiệu mệt mỏi, dù đã chia sẻ với bố mẹ nhưng em vẫn phải tự lo một mình vì bố mẹ quá bận công việc.

Chuyên gia bày lời khuyên thoát rối loạn tâm lý học đường ảnh 2

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ

Khi dịch COVID-19 có một thời gian được kiểm soát, học sinh được đến trường nhưng em này vẫn không thể hòa nhập trở lại với bạn bè, nhà trường nên xin mẹ nghỉ học. Sau nhiều lần như vậy, người mẹ bắt đầu quan tâm và dẫn em đi gặp bác sĩ tâm lý thì mới hay con mình bị trầm cảm sau thời gian học trực tuyến quá dài. Bên cạnh đó, những mối quan hệ ở trường trước đó có mâu thuẫn nhưng không giải quyết được dẫn đến lo âu, chán nản không muốn đến trường.

“Điều đó cho thấy sự lo âu, rối loạn sau thời gian dài học trực tuyến hết sức nguy hiểm. Nếu người lớn không có sự quan tâm, nắm bắt kịp thời thì sẽ để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng” – Thạc sĩ Đảo nhấn mạnh.

Chuyên gia bày lời khuyên thoát rối loạn tâm lý học đường ảnh 3

Học sinh tham gia giao lưu

Chuyên gia bày lời khuyên thoát rối loạn tâm lý học đường ảnh 4

Bảo Trân chia sẻ tại buổi tọa đàm

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, ai cũng phải trải qua một giai đoạn trầm cảm, stress, lo âu… “Các bạn học sinh, sinh viên phải tìm giải pháp riêng cho bản thân mình, phải mạnh dạn chia sẻ với thầy cô giáo, bạn bè, người thân của mình. Phải biết yêu thương bản thân, phải trân quý sự sống, sức khỏe bản thân mình và bản lĩnh xử lý những vấn đề xung quanh” – thầy Đảo gửi gắm.

Chuyên gia bày lời khuyên thoát rối loạn tâm lý học đường ảnh 5

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An

Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức giáo dục AEG, các bạn học sinh đang thiếu 2 vấn đề. Thứ nhất, các bạn thiếu đi tính định hướng. Do đó, mình cần phải biết rõ mình cần gì?

Vấn đề thứ 2 là học sinh đang thiếu đi công cụ để hiểu rõ thế mạnh của bản thân. “Đừng chỉ học chăm chỉ mà nên học một cách thông minh. Tư duy đúng phải kèm theo hành động nên hãy đi sâu và tìm hiểu chính bản thân mình. Nếu bạn đang gặp vấn đề tâm lý thì hãy giải quyết nó, tìm đến phòng Tham vấn tâm lý học đường của trường hoặc gặp các chuyên gia có kinh nghiệm để được chia sẻ” - ông Hòa An nói.

Tọa đàm nhận được sự đồng hành của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Công ty TNHH Xử lý Chất Thải Việt Nam.

MỚI - NÓNG