'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đó là tâm sự của rất nhiều trẻ trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) tại tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng COVID-19” sáng 4/3 do báo Tiền Phong tổ chức.

Chia sẻ câu chuyện của mình, bạn Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tâm sự, bản thân em phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài và dịch bệnh càng làm nặng thêm tình trạng của em.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 1

Mỹ Linh nghẹn ngào tâm sự tâm trạng của mình

“Do phải online kéo dài nên em không quen biết được nhiều bạn mới và có rất ít bạn bè để có thể chia sẻ. Em thuộc nhóm người hướng nội nhưng gia đình không chịu nghe em tâm sự. Hễ định tâm sự thì cha mẹ không hề nghe, em rất chán nản suốt 5 tháng vừa qua. Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em trầm cảm thêm trong suốt thời gian qua”- Mỹ Linh nghẹn ngào nói.

Còn bạn Nguyễn Hữu Trân, học sinh lớp 10A7 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, nhập học vào trường đúng lúc dịch COVID-19 ở TPHCM nên phải học online. Do mới nhập học nên chưa biết thầy cô, bạn bè nhưng khi học online thì thầy cô rất nhiệt tình, học có gì chưa hiểu thì thầy cô còn nhắn tin chỉ thêm nên giúp mình hòa nhập với môi trường mới.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 2

Nữ sinh Nguyễn Hữu Trân tâm sự

Kể về câu chuyện của mình, bạn Thư, học sinh THPT Nguyễn Hữu Thọ bộc bạch: “Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình em mắc COVID-19, chỉ còn một mình em ở nhà, em phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần. Gia đình em lại bị tái nhiễm và em phải ở nhà một mình, khi hay tin người nhà mất vì bệnh, em cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù là có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh…”.

Trò chuyện cùng học sinh, Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nhìn nhận, không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm. Theo bác sĩ Mẫn, tất cả các bạn ngồi đây, nếu ai có những cảm xúc chưa tốt, tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 3

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ tại buổi giao lưu

“Chúng tôi thường gặp học sinh có những biểu hiện tâm lý căng thẳng và ai cũng có lúc bị stress. Dịch COVID-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm. Do đó, ngay từ giờ phút này các bạn hãy cùng kết nối, tận dụng khoảng thời gian còn lại của thời học sinh để lưu giữ những kỷ niệm đẹp” – bác sĩ Mẫn tư vấn.

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cảm thấy trăn trở vì vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 4

Thầy Đảo khẳng định, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường... Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, hạn chế giao tiếp khiến học sinh, cô giáo dễ rơi vào trầm cảm, stress... dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 5

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ

“Do đó, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường” - Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo chia sẻ.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng THPT Võ Văn Kiệt cho rằng, không phải chỉ có tác động của dịch COVID-19 thì các em mới ảnh hưởng tâm lý, trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân những ảnh hưởng tâm lý mà đôi khi chính bản thân các em học sinh rất bản lĩnh, mạnh mẽ vượt qua được và cũng có những em không thể vượt qua.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 6

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng THPT Võ Văn Kiệt

Dưới góc độ là người làm trong công tác quản lý giáo dục, Thạc sĩ Hồng Anh khẳng định, vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng. “Sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy cô giáo sẽ giúp các em trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý” - bà Hồng Anh nói.

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Do đó, chúng ta cần phải làm cuộc thống kê về việc này. Trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường hơn 10 năm qua, bà nhận thấy học sinh thì e ngại, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm. Bản thân học sinh cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc để chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.

'Em stress, khủng hoảng nhưng cha mẹ không lắng nghe' ảnh 7

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam

Bà Giang cho rằng, ở Việt Nam, hệ thống tham vấn tâm lý lâm sàng chưa bài bản, nhận thức cũng chưa đầy đủ. Sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm.

MỚI - NÓNG