Báo động hành xử thô bạo của học sinh trong khi điểm giáo dục công dân lại cao chót vót

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Học sinh liên tiếp đánh nhau, nói tục, chửi bậy ở khắp mọi nơi, thậm chí xưng hô “mày – tao” với giáo viên đứng lớp là tiếng chuông báo động về văn hóa ứng xử, giáo dục đạo đức ở trường học. 

Gần đây, liên tiếp các vụ việc học sinh đánh nhau, học sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội, Nghệ An, Bình Định, Đắc Lắk... Thậm chí, một học sinh lớp 11 ở Long An do mâu thuẫn với một học sinh lớp 10 đã bị nhóm người đánh hội đồng đến tử vong.

Chuyên gia cho rằng, điều vô lý là đầy rẫy các vụ việc học sinh đánh nhau hay phổ biến tình trạng học sinh văng tục, chửi bậy nhưng hằng năm, phổ điểm bộ môn Giáo dục công dân trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn cao chót vót.

Báo động hành xử thô bạo của học sinh trong khi điểm giáo dục công dân lại cao chót vót ảnh 1

Sau lễ khai giảng năm học mới, đầy rẫy các vụ việc học sinh bị đánh.

Tan trường, tại một trường tiểu học ở Hà Nội, học sinh ùa ra chờ người nhà đón. Một nhóm học sinh nô đùa và văng tục, chửi bậy rất to ngay giữa sân trường. Ở những góc khác, học sinh cũng không ngần ngại khi nói những lời khó nghe với nhau.

Tại trường THCS – THPT mức độ học sinh nói tục, chửi bậy trầm trọng hơn. Trước, trong cổng trường, thậm chí ở cả lớp học, học sinh vô tư văng tục, chửi bậy với nhau.

Mới đây, một học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Khánh Hòa) đã có thái độ vô lễ khi văng tục và xưng mày, tao với giáo viên trong giờ học Vật lý. Sau đó, học sinh bị kỷ luật bằng hình thức tạm dừng học 1 tuần và xếp hạnh kiểm yếu ở học kỳ I. Sự việc học sinh vô lễ, văng tục với giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đặt ra vấn đề là làm sao để giáo dục học sinh “tiên học lễ, hậu học văn”,

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, học sinh đến trường không chỉ học kiến thức mà được giáo dục các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, giá trị về tình yêu gia đình, bạn bè… Ở các trường học thường có nội quy, quy định những điều học sinh không được làm, trong đó sẽ có nội dung: không nói tục, chửi bậy và phải luôn tôn trọng thầy cô, bạn bè. Thế nhưng, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng học sinh nói bậy cả trong lẫn ngoài trường học.

Về nguyên nhân học sinh nói tục, chửi bậy là do các em học đòi bạn bè hoặc người lớn. Hiện nay, kể cả trong gia đình, người lớn chưa làm gương, nói tục ngay trước mặt con trẻ, nói ở khắp mọi nơi do đó khi đến trường lớp, một số em nói tục, chửi bậy và coi đó là chuyện bình thường.

“Nếu trường học có quy định nghiêm về xử lý học sinh vi phạm nội quy, quy định đồng thời dạy các em không nói tục, chửi bậy qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, giờ học giáo dục công dân… sẽ thay đổi nhận thức của trẻ một cách từ từ”, TS Lâm nói.

Bất cập điểm Giáo dục công dân cao chót vót

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, giáo dục đang chuyển trọng tâm từ “dạy chữ sang dạy người”, vì thế cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá kết quả “dạy người” ở học sinh hiện nay.

Ông ví dụ, trong chương trình GDPT mới, học sinh từ bậc tiểu học đã được đặt ra yêu cầu cần đạt về phẩm chất như: phải biết yêu quý bạn bè, kính trọng thầy cô, biết động viên khích lệ bạn bè; có khả năng nhận biết và bày tỏ cảm xúc của bản thân và chia sẻ tình cảm với người khác; biết điều chỉnh hóa giải các mâu thuẫn phát sinh; biết thể hiện thái độ không đồng tình với những hành vi sai...

“Thế nhưng, trong nhiều trường hợp học sinh vi phạm cho thấy, rõ ràng ngay cả học sinh cấp 3 cũng chưa đạt yêu cầu cần đạt của học sinh cấp 1. Và như vậy, liệu rằng chúng ta có đang quá buông lỏng việc đánh giá các yêu cầu cần đạt về “dạy người” theo từng cấp học hay không? Liệu những cách thức chúng ta đang đánh giá về thái độ phẩm chất là không đủ độ tin cậy khi về cơ bản tất cả học sinh của chúng ta có thành tích học tập khá giỏi đều có hạnh kiểm tốt?”, ông Nam nói.

Giáo dục đang chú trọng về “dạy người” nhưng nhiều năm qua xảy ra rất nhiều sự việc học sinh bạo lực học đường, vô lễ với thầy cô giáo cũng chưa có học sinh nào “đúp” chỉ vì không đạt chuẩn/yêu cầu cần đạt về thái độ, phẩm chất, hạnh kiểm. Ngoài ra, kết quả thi Tốt nghiệp THPT qua các năm cho thấy phổ điểm môn Giáo dục công dân luôn có số điểm rất cao trong khi trên thực tế thì học sinh có rất nhiều hành vi lệch chuẩn, hỗn hào với thầy cô, bạo lực với bạn bè", TS Trần Thành Nam.

Giáo viên một trường THPT cho rằng, sở dĩ học sinh ngày nay văng tục, chửi thề và có thái độ vô lễ với thầy cô giáo là do quá nuông chiều. Ở nhà, các em được bố mẹ chiều chuộng, đáp ứng mọi mong muốn. Đến trường, thầy cô, nhà trường không được kỷ luật mạnh tay như “bêu” tên trước trường, lớp cũng không dám mắng học sinh vì có nguy cơ vi phạm quy định. Chưa kể, ngày nay, học sinh được phép mang điện thoại vào lớp học, các hành vi, lời nói của giáo viên có thể bị quay lén và tung lên mạng xã hội bất cứ lúc nào khiến giáo viên bị áp lực, có tâm lý mặc kệ học sinh.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.