Đề xuất trích 3.500 tỉ ngân sách mua SGK: Con số 70% học sinh mượn sách là quá lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều ý kiến cho rằng, trích ngân sách nhà nước mua SGK đáp ứng nhu cầu 70% học sinh mượn học là con số quá lớn, chưa sát thực tế. Bộ GD&ĐT phải có biện pháp kiểm tra, giám sát việc xây dựng giá từng đầu sách để nhiều phụ huynh trang bị cho con.

Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng năm đầu tiên 2020-2021 đối với lớp 1, đồng nghĩa với việc thay SGK mới từ năm học này. Các năm tiếp theo thực hiện cuốn chiếu ở các cấp. SGK được xã hội hóa, giá sách cũng tăng vọt khiến phụ huynh khó khăn càng chật vật. Đầu năm học 2022-2023 đã xảy ra tình trạng khan hiếm SGK do các NXB lo ế, in ấn cầm chừng.

Mới đây, Bộ GD&ĐT thông tin việc đã đề xuất Chính phủ trích ngân sách 3.500 tỉ đồng mua SGK đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu học sinh mượn học.

Đề xuất trích 3.500 tỉ ngân sách mua SGK: Con số 70% học sinh mượn sách là quá lớn ảnh 1

Chương trình, SGK mới đang áp dụng năm nay là năm thứ 3 đối với tiểu học.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, ông ủng hộ đề xuất này với 2 lý do: thứ nhất, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thuộc gia đình nghèo có SGK để học tập.

Tuy SGK hiện nay là “tài liệu tham khảo”, nhưng thuộc dạng tài liệu đặc biệt, học sinh và giáo viên cần phải có. Thứ hai, khi SGK thuộc thư viện trường học, học sinh được mượn đầu năm học, cuối năm học trả lại để mượn tiếp sách của năm học sau. Với cách làm đó, một bộ SGK sẽ được sử dụng qua nhiều thế hệ học sinh, không bị lãng phí tiền bạc dù nhà nước hay phụ huynh chi.

“Nhà nước mua 70% SGK trang bị cho thư viện trường học hay bao nhiêu % mới sát nhu cầu thực tế là câu chuyện cần phải bàn kỹ. Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các địa phương khảo sát một cách nghiêm túc trước khi thực hiện để tránh lãng phí”, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie.

Ông Khang cũng chia sẻ câu chuyện, đầu năm học 2022-2023 liên hệ với UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) để tìm hiểu tình hình SGK cho học sinh nhằm hỗ trợ sách cho thư viện và học sinh thì rất bất ngờ vì địa phương này có 18 trường học nhưng chỉ có 2 trường “nằm ngoài Nghị định 81” gồm 1 trường tiểu học và 1 trường THCS.

“Nhà nước hiện đã lo cho học sinh vùng khó như vậy nên cần khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế mới triển khai. Tôi tin con số nhu cầu hiện nay chỉ khoảng 30-40% thay vì 70% như đề xuất”, ông Khang nói.

Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, chính sách mua SGK cho học sinh mượn là rất nhân văn nhưng phải có khảo sát, tính toán dựa trên nhu cầu thực tế. “Bởi vì khi mua một lượng sách lớn sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng. Với số tiền lớn như thế, nếu chi trúng, đúng đối tượng cần sẽ rất hữu ích nhưng ngược lại sẽ rất lãng phí”, ông Bình nói.

Học sinh vùng khó đã được hỗ trợ SGK

Trên thực tế, hiện nay Nghị định 81/2021/NĐ-CP đã quy định về việc hỗ trợ tiền ăn, học phí cũng như cho học sinh các tỉnh miền núi, thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú mượn SGK ở thư viện trường để học tập.

Nghị định 81 đã có quy định rất rõ về chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí.

Ngoài ra, khoản 10 Điều 20 Nghị định 81 cũng quy định, các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập sẽ được nhận mức hỗ trợ là 150.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 50.000 đồng so với trước đây) để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác.

Hiện nay, các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập gồm:

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.

Hiệu trưởng một THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, mua SGK cho học sinh mượn chỉ nên áp dụng đối với trường vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Ở vùng điều kiện thuận lợi, nhà trường có thể trích một phần kinh phí hoạt động mua SGK để thư viện cho học sinh mượn và kêu gọi học sinh quyên góp sau mỗi năm học.

Về đề xuất mua SGK đáp ứng nhu cầu 70% học sinh, hiệu trưởng này cho rằng, đó là con số quá lớn, chưa sát thực tế. Không phải phụ huynh thật sự có điều kiện kinh tế mà ở mức trung bình cũng đã có khả năng mua SGK cho con. Chỉ có một tỉ lệ phụ huynh có điều kiện khó khăn hoặc không muốn sau một năm học lại vứt đi, lãng phí mới có nhu cầu mượn này.

Ví dụ, ở TP Hà Nội, TPHCM, những trường tư thục, phụ huynh có điều kiện nhà nước không cần mua SGK cho mượn. “Vấn đề quan tâm hiện nay là giá SGK mới vẫn rất cao, người dân chật vật trong khi nhà xuất bản lãi khủng. Bộ GD&ĐT phải có biện pháp kiểm tra, giám sát việc xây dựng giá từng đầu sách để phụ huynh thuận lợi mua sách mới cho con”, hiệu trưởng này nói.

Trước đó, tại hội thảo về SGK giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đơn vị đang có đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỷ đồng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.

Theo ông Thưởng, Bộ GD&ĐT đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra ba phương án, gồm: trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu; mua sách cho 70% nhu cầu; chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi phân tích, tính toán, Bộ đã lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học.

“Nếu thực hiện, sẽ giải quyết được những bức xúc về giá SGK”, ông Thưởng nói. Theo kế hoạch, nếu phương án này được phê duyệt, sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.