Nhà thơ Phạm Đức: Truân chuyên thơ, vơ với nhà

Tranh: Phong Nhi
Tranh: Phong Nhi
TP - Vào đầu những năm 1990, trong sổ chép thơ của các thiếu nữ mới lớn hầu như không có mấy cuốn lại thiếu những bài “Đơn phương”, “Thì anh lại sợ”, “Bên lề”, “Ví dầu”… của nhà thơ Phạm Đức. Và có những chàng trai đã đốn gục trái tim người con gái mình thầm thương trộm nhớ chỉ sau khi (ra vẻ) thẫn thờ lẩm nhẩm mấy câu: “Anh đã mất em/ Lẽ ra là được/ Anh chẳng có em/ Lẽ ra có được…”.

Cứ ngỡ với những bài thơ xuất hiện rất sớm, lại đi thẳng vào trái tim bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ như thế, thì Phạm Đức phải nổi đình nổi đám trong làng văn nghệ. Nhưng những bài thơ đầu tiên (được đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội) của anh lính thông tin Phạm Đức không được đón chào và tung hô như một số nhà thơ mặc áo lính cùng thời, có lẽ bởi cái giọng tâm tình sâu kín, ẩn chứa những nỗi niềm riêng tư đó nằm ngoài quỹ đạo của sự hào hùng, bi tráng cần cho thời cuộc. 

Rời quân ngũ sau ngày thống nhất, Phạm Đức chuyển ngành sang làm báo, rồi về làm công tác biên tập tại Nhà xuất bản Thanh Niên cho đến lúc nghỉ hưu với cương vị Phó giám đốc, Tổng biên tập. Bắt đầu viết từ khi chưa tròn đôi mươi, đến nay nhà thơ Phạm Đức tròn 70 tuổi (ông sinh năm 1945) – nửa thế kỉ đắm đuối với thi ca đã làm nên gia tài tác phẩm khá đầy đặn với 10 tập thơ, trong đó có nhiều bài được chọn đi chọn lại để in vào các tuyển tập thơ tình.

“Có thể nói Gia đình

Là một cuộc chiến chinh

Từ đầu đến cuối

Quyết liệt

Kiên trì

Giành hạnh phúc… Dồn sức lên mà giành giật

Một gia đình!”.

Thơ Phạm Đức

Nếu đã từng đọc thơ Phạm Đức, sẽ nhận thấy ngay một tâm hồn tinh tế, nhân hậu và vô cùng cao thượng, bởi phần nhiều những bài thơ đứng về phe…thất tình hoặc yêu đơn phương. Nhà thơ thầm gửi đến người mình yêu nỗi lòng của kẻ đến muộn: “Trái tim tôi vẫn để dành/ Cho em – người vốn vô tình với tôi”, rồi cũng rất khảng khái: “Mong em yêu và được yêu/ Đừng như tôi chỉ một chiều tương tư”… Khi yêu, dẫu là song phương hay đơn phương thì đều không tránh khỏi những phút tương tư. Trạng thái tương tư của thi sĩ luôn được khuếch tán bằng thơ, và cũng từ thơ mà phát tán khắp nơi. Tai hại thay, những bài thơ tình được nhiều người rưng rưng cất giữ đó lại khiến cho người ở cùng một mái nhà với tác giả không thể chịu nổi. Vậy là xảy ra sự nghi ngờ, tra vấn, truy tìm, ghen tuông, giận dỗi… mà bất cứ lời giải thích nào cũng như lửa đổ thêm dầu. 

Cuộc hôn nhân đầu tiên chấm dứt sau 12 năm chung sống. Năm năm sau, nhà thơ quyết định tái hôn với một đồng nghiệp làm cùng Nhà xuất bản. Nhưng cuộc vá víu hạnh phúc lần này cũng chỉ kéo dài được 5 năm. Sau hai lần đổ vỡ, Phạm Đức tự “đúc kết kinh nghiệm” bằng bài thơ mang tên “Gia đình” khiến không ít người ứa nước mắt: “Có thể nói/ Gia đình/ Là một cuộc chiến chinh/ Từ đầu đến cuối/ Quyết liệt/ Kiên trì/ Giành hạnh phúc… Dồn sức lên mà giành giật/ Một gia đình!”.
 
Nhà thơ Phạm Đức: Truân chuyên thơ, vơ với nhà ảnh 1
Sau khi nghỉ hưu ở Nxb Thanh Niên, ông được mời về Hội Nhà văn Việt Nam làm Thư kí tòa soạn cho Tạp chí Thơ nhưng người phụ trách tạp chí nhận định Phạm Đức không hợp với công việc ở đó. Chủ tịch Hội Nhà văn bèn bố trí cho ông theo dõi các ấn phẩm của trung ương Hội và các hội Văn học nghệ thuật địa phương, bên cạnh đó còn chịu trách nhiệm biên tập những cuốn sách, các tập kỉ yếu khi Hội tổ chức sự kiện văn học. Vì nhiều lí do của cuộc sống, nhà thơ Phạm Đức phải ở nhà thuê trong mấy năm. Cứ mỗi lần nhà tăng giá ông lại phải chuyển đến một căn phòng nhỏ hơn, xa trung tâm thành phố hơn để hợp với ngân quỹ có hạn. 

Cuối năm 2012, đang trong cơn chán nản với cảnh chuyển nhà, nhà thơ gặp được một người nhất mực yêu thơ – họa sĩ Hà Huy Hiệp. Làm điêu khắc nhưng Hiệp đặc biệt mê thơ và anh cũng in ra đến ba tập. Chàng họa sĩ xứ Đoài sốt sắng: “Cháu sẽ mượn cho chú một cái nhà để ở một năm không phải trả tiền. Tiền chú để dành được bao nhiêu đưa cháu mua mảnh đất ven bờ sông, cháu sẽ cất nhà cho chú, hàng năm chú chỉ cần trả dần như tiền thuê nhà thôi”. 

Vậy là lần này cuộc chuyển nhà rời xa trung tâm đến ba mươi cây số, bù lại, nhà thơ được sống giữa cảnh thôn quê thanh bình và không phải lo lắng chuyện nhà tăng giá bất ngờ nữa. Ngôi nhà được ở miễn phí chẳng có một chút cơ sở hạ tầng tối thiểu: điện không, giếng nước không, bếp không… Họa sĩ Hiệp nhanh trí “gửi gắm” nhà thơ sang một nhà hàng xóm liền kề, hóa ra đó là tư gia của nhà văn Trịnh Văn Túc. Duyên văn chương hội tụ, cuộc sống dần trở nên ổn thỏa. 

Số tiền dành dụm vừa đủ mua được mảnh đất 60 mét vuông ngay bên bờ sông Bùi (thuộc địa phận xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ), sau vài cuộc vận động “xã hội hóa”, họa sĩ Hà Huy Hiệp bắt tay vào thiết kế và xây dựng cho nhà thơ một ngôi nhà sàn đời mới. Toàn bộ cột nhà được đổ bê tông, nền sàn láng xi măng phẳng lì. Phía trên là căn nhà xinh xắn với những ô cửa sổ mở rộng đón nắng gió mỗi ngày, nội thất bài trí giản dị nhưng rất thẩm mỹ. Không gian ấm áp này đã trở thành điểm hẹn cuối tuần cho bạn bè văn chương ngoài Hà Nội luôn thèm nắng thèm gió ghé thăm. 

Tuy nhiên, nhà thơ hóm hỉnh kể: “Nhà ven sông hơi bất tiện là khi nước dâng cao thì có khi ngập lên đến tận tầng hai, hôm trước mình vừa cơi nới thêm một cái chòi 9 mét vuông lên phía trên để sơ tán những đồ quý giá lên đó. Có bận nước rút xong chưa kịp dọn bùn đất, mấy ngày sau xuống bên dưới bắt gặp cụm hoa tóc tiên trôi từ đâu về nở hồng rực, thơm thơm ngòn ngọt đáng yêu lắm”. 

Tò mò hỏi ông, đồ quý giá của một nhà thơ gồm những gì vậy? Ông cười: “Ờ thì ngoài sách ra cũng toàn là trâu thôi mà”. Hơn hai chục năm sưu tầm tượng trâu được chế tác bằng nhiều chất liệu: gốm, sứ, than, đá, đồng… với đủ các tư thế trâu lao động, trâu nghỉ ngơi, trâu đấu chọi… đến nay số lượng lên đến vài trăm nhưng ông vẫn nhớ kĩ “hoàn cảnh xuất thân” của từng chú trâu lớn nhỏ. 

Nhà thơ Phạm Đức: Truân chuyên thơ, vơ với nhà ảnh 2Nhà thơ Phạm Đức.
Tìm được chốn an cư vào tuổi 70, Phạm Đức lại được bạn bè xắn tay lo chuyện…nhân duyên. Thôi thì từ thành phố cho đến làng quê, ai giới thiệu ông cũng nể tình đi “xem mặt” và mời người ta về ngôi nhà ven sông để tỏ tường gia cảnh, nhưng chưa thấy đám nào đậu lại. Ông bạn văn láng giềng mai mối cho một bà góa trẻ trong làng, vừa đến thăm nhà Phạm Đức một lần, bà vội vã rút lui. Sau, hỏi mãi mới biết bà ấy mong muốn một gia đình ngăn nắp chỉn chu chứ không phải cái cảnh khắp nhà bày đầy sách báo, tranh tượng rồi bọn trẻ con cứ chạy ra chạy vào nhí nhéo mượn sách suốt ngày. Đồng nghiệp cũ tìm cho một cô giáo sắp nghỉ hưu, li hôn đã lâu, xem ra đôi bên có vẻ tương đồng về trình độ. Đồng nghiệp nhiệt tình đưa cô giáo về tận Tốt Động trúng vào ngày mưa gió, đến gần nhà thì cây cầu bị ngập, lại phải đi vòng một quãng xa mới tới được. 

Khởi đầu đã gian nan thế, ai cũng mong là kết thúc sẽ có hậu. Một tháng sau “ông mối” hỏi nhà thơ xúc tiến tình cảm đến đâu rồi, ông trả lời: “Chắc vẫn đang đọc…”. Thì ra trước khi chia tay, nhà thơ tặng cô giáo cuốn “Thơ Phạm Đức – Một tâm hồn nhân hậu và tinh tế” do một người bạn yêu thơ bỏ công sưu tầm, biên soạn với lời nhắn: “Em về đọc kĩ cuốn sách này để hiểu nhau hơn”.

Tìm gặp nhà thơ Phạm Đức không khó, chỉ cần đúng lịch, vì nhà xa nên ông đến Hội Nhà văn làm việc vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu trong tuần. Căn phòng tầng một thẳng lối vào văn phòng Hội rộng chừng sáu mét vuông lèn chặt sách báo, ngoài bàn làm việc vẫn đủ chỗ kê một chiếc bàn nhỏ và hai chiếc ghế đẩu làm bằng tre, trên bàn có bộ ấm chén đất nung nhỏ xíu, chỉ đủ để khách ngồi nhâm nhi từng ngụm trà, rồi nhìn sâu vào trái tim chủ nhân mà thấm thía, rằng đã gần cạn một đời người sao vẫn chưa dứt những “nẻo tìm, nẻo đợi, nẻo da diết buồn…” (Ba Vì). 

Lặng lẽ nhưng bận rộn với thơ

Trong khi người xung quanh cứ sốt vó về nỗi cô đơn của Phạm Đức lúc xế chiều thì ông lại quanh năm bận rộn với đủ thứ việc liên quan đến thơ. Nào lo kiểm đếm, bốc thăm, sắp xếp ki - ốt thơ cho các câu lạc bộ đến từ mọi miền đất nước tham gia Ngày Thơ Việt Nam rằm tháng Giêng ở Văn Miếu; nào tổ chức hoạt động thường kì nhằm thúc đẩy sáng tác cho CLB Sáng tác văn học Hồ Gươm do ông làm chủ nhiệm (với 35 thành viên); nào “lên sóng” các chương trình bình thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam… 

Chưa hết, vào sáng Chủ nhật trong tuần, ông còn có cuộc trò chuyện văn chương với các học viên nhí quanh làng tại ngôi nhà nhỏ của mình. Ông tự tay soạn “giáo án” với 10 chủ đề: tình yêu quê hương, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô và bạn bè… và cùng chơi đố chữ, tìm nghĩa của các từ với các em. Kết thúc buổi học bao giờ cũng có liên hoan nhẹ bằng chút bánh kẹo hay hoa quả do nhà thơ chuẩn bị sẵn trong nhà. 

Nhà thơ Phạm Đức chia sẻ, ông muốn gieo vào lòng các bạn nhỏ tình yêu văn chương, yêu tiếng Việt từ những buổi học mà chơi như thế. Việc làm lặng lẽ của ông được người dân quê ghi nhận và biết ơn cũng rất lặng lẽ, họ đều là những người nông dân chân chất, chỉ biết răn dạy con cháu phải chịu khó theo học ông Đức, may ra kiếm được thêm chút chữ để thành người lương thiện.

MỚI - NÓNG