Người trẻ với hành trình khát vọng non sông - Bài 1: Giao cảm về một thời 'hoa lửa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” của tuổi trẻ cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, như cầu nối giữa những giá trị của lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc với thời đại mới; là sự trao truyền của thế hệ cha anh với thế hệ trẻ trách nhiệm hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trên cung đường huyền thoại, qua những địa chỉ đỏ để đến mảnh đất Điện Biên anh hùng của Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, nhiều bạn trẻ đã cảm nhận rõ hơn về sự gian khổ, mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh để đất nước có ngày hôm nay, để rồi khơi dậy trong mỗi bạn trẻ lòng tự hào, trách nhiệm và khát vọng cống hiến.

Người trẻ với hành trình khát vọng non sông - Bài 1: Giao cảm về một thời 'hoa lửa' ảnh 1

Đại biểu hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi tại di tích lịch sử quốc gia Đèo Lũng Lô

Trên cung đường huyền thoại

Ngân nga bài ca tuổi trẻ trên chuyến xe từ điểm xuất quân - Cột cờ Hà Nội, đoàn đại biểu số 2 của hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” cuối cùng cũng đến điểm dừng chân đầu tiên sau 4 tiếng di chuyển. Ai nấy trong đoàn hành trình đều háo hức khi có mặt tại Bến Âu Lâu sừng sững phía tả ngạn sông Hồng - nơi được mệnh danh là cửa ngõ đi vào Tây Bắc, có vị trí quan trọng, nối liền hệ thống giao thông Việt Bắc với Tây Bắc.

Trong ít phút dừng chân nơi đây, tôi thấy bác sĩ Hà Thị Hương Giang - Phó Bí thư Đoàn Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, không rời mắt khỏi bức phù điêu mang tên “Huyền thoại Bến Âu Lâu”. Ánh mắt của bác sĩ Giang dường như đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về việc đào đất, phá đá để mở đường giữa lòng đất thiêng Yên Bái, một công việc vô cùng gian khổ và đầy rẫy thử thách thời chiến.

Ở giữa bức phù điêu là hình ảnh đoàn xe ô tô chở vũ khí, đạn dược và hình ảnh những người dân Yên Bái ngày đêm vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, chèo thuyền đưa hàng hoá và bộ đội qua sông. Theo lời thuyết minh viên, ở thời chống Pháp, hai bờ sông nơi đây được kết nối bằng những chiếc đò nan, phà gỗ, rồi trở thành địa danh in dấu những chiến công oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ký ức về thời “hoa lửa” dần được gợi mở từng lớp cho mỗi đại biểu trẻ qua các địa chỉ đỏ. Tiếp tục hành trình trên “Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” đi qua địa phận xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đoàn đại biểu được nghe, tận mắt chứng kiến cung đường đã làm nên lịch sử.

Trên những khúc cua tay áo, hai bên là núi rừng hùng vĩ, đoàn đại biểu được anh Triệu Trí Lộc - Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Yên Bái giới thiệu, đây là một trong những tuyến đường huyết mạch để quân và dân ta tiếp viện vũ khí, đạn dược cùng lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Người trẻ với hành trình khát vọng non sông - Bài 1: Giao cảm về một thời 'hoa lửa' ảnh 2

Anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn cùng đại biểu hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” thắp hương mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

“Ngày nay, Đèo Lũng Lô như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến biết bao hoạt động vì cộng đồng của tuổi trẻ cả nước nói chung mỗi khi hành quân đến vùng cao và trở thành nơi thiêng liêng trong mỗi buổi sinh hoạt chính trị, kết nạp đoàn viên mới của tuổi trẻ Yên Bái vào những dịp lễ lớn”, anh Triệu Trí Lộc cho biết.

Dừng chân tại di tích lịch sử quốc gia này, đoàn đại biểu hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” đã thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, như trao các phần quà thể hiện sự tri ân đối với cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh tại huyện Văn Chấn; khởi công công trình nhà nhân ái tặng gia đình ông Hà Minh Sứng (thôn Bắc, xã Thượng Bằng La) -người từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trước khi hội quân về Điện Biên, trưa 25/4 trời nóng như đổ lửa, đoàn hành trình dừng chân tại Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - nơi an nghỉ của gần 100 TNXP đã hy sinh để mở đường biên giới. Sau khi dâng hương, đoàn đại biểu tản ra để thắp hương cho từng phần mộ.

Anh Vũ Tùng Lâm - Bí thư Huyện Đoàn Văn Yên (tỉnh Yên Bái) lặng người, nước mắt trào dâng khi đứng trước hàng mộ liệt sĩ chưa xác định được tên. Những anh chị TNXP ngày ấy ở tuổi đôi mươi, khi mất còn chưa có gia đình riêng. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, họ vẫn nằm lại nơi đây thiếu vắng sự thăm nom của người thân.

“Từ những câu thơ trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu vốn thường được nghe qua lời hát ru của bà, nay tôi đã được đến đây để thấy, sự sống đang hồi sinh mạnh mẽ trên cung đường huyền thoại từng chịu nhiều đạn bom. Qua đó, tôi như được nhắc nhớ về một tinh thần không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh của những người đã làm nên lịch sử”. Anh Nguyễn Việt Anh - Trưởng nhóm từ thiện Hy vọng

“Khi thắp hương cho hàng mộ liệt sĩ TNXP chưa xác định được tên tuổi cụ thể, tôi có nhiều băn khoăn và thấy được trách nhiệm của mình sau chuyến hành trình này, đó là tham mưu cho chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia làm tốt công tác chăm lo với người có công hay hỗ trợ thân nhân tìm mộ liệt sĩ”, anh Lâm chia sẻ.

Dưới tán hoa phượng đang “thắp lửa” trên đồi A1

Chúng tôi đến di tích lịch sử đồi A1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - nơi diễn ra trận chiến lịch sử năm xưa, với nhiều cảm xúc xen lẫn. Theo chân thuyết minh viên, chúng tôi được hướng dẫn bước nhẹ và ngay ngắn, chầm chậm để cảm nhận được mùi khói đạn như vẫn phảng phất đâu đó, bên những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa…

Mỗi dấu tích đều tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc, bồi đắp niềm tự hào và sự giao cảm giữa thế hệ trẻ hôm nay với những người đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng. Và những câu thơ của Trung tướng Phạm Quốc Trung trong bài thơ Hào khí Điện Biên: “Bao Liệt sĩ trên mỗi mét chiến hào/Người tiếp người giật giành từng tấc đất/Hố bộc phá hình loa kèn xung trận/Vọng ngàn năm như mệnh lệnh không lời”, thêm một lần nữa gợi lên xúc cảm với đoàn đại biểu khi tham quan quanh di tích hố bộc phá.

Nhìn dưới tán hoa phượng đang “thắp lửa” trước đồi A1, tôi thấy Huỳnh Phạm Thủy Tiên - Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, tập trung ghi lại những khoảnh khắc đẹp về đồi A1 xuyên qua tán hoa phượng rực rỡ. “Tiên cảm thấy may mắn khi từ TPHCM về với Điện Biên những ngày này, được gặp các bác cựu chiến binh trên đồi A1, được ngắm nhìn sắc hoa phượng đỏ thời điểm bung nở rực rỡ nhất và cùng những người trẻ quanh mình hồi tưởng lại hào khí chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa”, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, nói.

Trước đây, Thủy Tiên rất ít khi có thắc mắc hay tò mò, muốn tìm hiểu về lịch sử. Nhưng trước khi đến với hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, Tiên đã xem nhiều thước phim tài liệu phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đọc tư liệu liên quan đến đồi A1. Vì vậy, khi đến đây, bằng trải nghiệm của mình, Tiên đã quay lại những hình ảnh đẹp nhất để chia sẻ cho bạn bè vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đứng trước dòng chữ in hoa đỏ “A1: Bùn - máu và hoa”, Thuỷ Tiên cũng như những người trẻ khác đều dừng lại hồi lâu để cảm nhận. Thuỷ Tiên chia sẻ rằng, “hoa” ở đây tượng trưng cho một màu áo mới, một sức sống bền bỉ bên những dấu tích, “hoa” còn là thời đại Tiên được sống và được thừa hưởng từ sự hy sinh của thế hệ cha anh, cuối cùng “hoa” tượng trưng cho niềm hy vọng, niềm kiêu hãnh và là thời đại tuổi trẻ hôm nay được sống, được thừa hưởng để vươn mình dựng xây, phát triển quê hương, đất nước.

Từ ngày 24 - 27/4, T.Ư Đoàn tổ chức hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, thực hiện chuỗi các hoạt động cao điểm của tuổi trẻ cả nước hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong khuôn khổ hành trình, đoàn đại biểu Hội SVVN tham gia hành trình “Sinh viên với khát vọng non sông”; đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam tham gia hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, với tuyến 1: Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên và tuyến 2: Hà Nội -Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên; Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên tại tỉnh Điện Biên với sự tham gia của 200 đại biểu thiếu nhi và 64 đại biểu phụ trách tiêu biểu trên cả nước, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa bên lề sự kiện.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.