Sáng 18/5, giá vàng thế giới tiếp tục theo chiều thẳng đứng. Chốt phiên giao dịch gần nhất, vàng giao ngay tăng thêm 1,5%, hiện có giá 2.412,83 USD/ounce. Với đà này, giá vàng sớm phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại được thiết lập ngày 12/4 với 2.431,29 USD/ounce.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,3% ở mức 2417,40 USD/ounce.
Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết giá vàng đang tăng mạnh bất chấp đồng USD và lợi suất tăng.
"Trong bối cảnh đó, giá các kim loại khác cũng tăng vì sự tác động của Trung Quốc. Thị trường vàng được nâng đỡ sau khi Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ kim loại lớn, trong đó có vàng) công bố nước đi mới nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản đang chịu khủng hoảng", Bart Melek nói.
Chiều thẳng đứng của giá vàng bắt đầu từ giữa tháng 5. |
Trong khi đó, giá vàng chuẩn của London, Anh chốt phiên giao dịch tuần mức cao kỷ lục là 2402,60 USD/ounce, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA).
Ngoài chính sách mới của Trung Quốc, yếu tố tác động giá vàng là lạm phát tại Mỹ. "Vàng đang phản ứng với việc lạm phát Mỹ có thể được kiểm soát. Nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong năm, khả năng cao nhất là tháng 11. Lãi suất thấp làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi", Bart Melek nói thêm.
Một ngày trước, ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nêu quan điểm giá vàng có thể thấp hơn nếu thị trường thiết lập lại mối quan hệ giữa vàng và đồng USD. Song, sự bất ổn vẫn tồn tại trong thị trường vàng vài tháng tới.
Trong khi đó, Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường IG, cho rằng xu hướng tăng giá vàng vẫn còn, với mục tiêu tiếp theo là chạm mốc kỷ lục mới.
Giá bạc giao ngay tăng 4,8% lên 31,02 USD/ounce sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự 30 USD. Lần cuối bạc chạm mức 30 USD/ounce là vào đầu năm 2021, nhưng việc giá bạc thấp duy trì thời gian dài khiến kim loại này giảm giá trị.
Bạch kim tăng 2,3% lên 1.081,37 USD, sau khi đạt mức cao nhất trong năm. Giá kim loại này đã tăng 9% trong tuần do thiếu hụt nguồn cung. Palladium tăng 1,2% lên 1.007 USD.