Vừa qua, do những sai phạm liên tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông mới yêu cầu tạm dừng hoạt động hai nhà xuất bản nhiều sai phạm kỷ lục. Con số này còn quá khiêm tốn so với những NXB sống vật vờ chờ ngày khai tử. Thế mới có hiện tượng bán giấy phép rồi thả sức cho đơn vị liên kết lộng hành. Sách ẩu, sách nhảm từ đó mà ra.
Một vị lãnh đạo ngành xuất bản nói, mỗi năm có gần 33 nghìn đầu sách với 370 triệu bản sách, không bao giờ hết sạn được. Vị này kêu gọi phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường sàng lọc. Lại một cách nói bao biện, lảng tránh trách nhiệm của những người trong ngành xuất bản. Cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm cấp phép, ấy thế mà vẫn để sách sai phạm, nhảm nhí trơn tru ra kệ sách. Có khi tái bản hàng vạn mới phát hiện ra lỗi, ngừng phát hành thì trẻ cũng lãnh đủ.
Lâu lâu trên mạng xã hội lại rộ lên những dòng chia sẻ đầy bức xúc, đăng kèm ảnh chụp trang sách đến người lớn cũng choáng. Nào là cổ tích về chim muông dịch từ nước ngoài ngôn từ chẳng khác truyện ngôn tình.
Sách kiểm tra IQ dành cho trẻ có những câu hỏi nhanh đáp gọn gây sốc. Toàn những hình ảnh về đầu rơi máu chảy, hẹn hò người lớn mà bắt trẻ phải tìm ra đáp án nhanh nhất. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng viết sao cho trẻ vui tươi, yêu đời. Điều giản dị thế thôi mà chưa hẳn dễ thấy trong những cuốn sách dành cho trẻ.
Không thể phủ nhận cha mẹ phải chịu một phần trách nhiệm khi rước về những xuất bản phẩm rác này. Thói quen à uôm, qua quýt của người lớn vô tình tiếp tay cho những cuốn sách ẩu, lối làm ăn chụp giật có đất sống. Suy cho cùng, người mua cũng là nạn nhân của một lối xuất bản chạy theo số lượng, mục tiêu kinh tế, bỏ quên ý nghĩa nhân văn ở mỗi sản phẩm tinh thần.
Được biết, nhiều NXB sẽ đi đến hồi xóa sổ, mà quyền sinh quyền sát giờ nằm trong tay các cơ quan chủ quản. Còn chần chừ khác nào tiếp tay cho những xuất bản phẩm ẩu, nhiều sạn. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương, sự đầu độc tâm hồn trẻ vô cùng nguy hiểm, sau này cơ hội tỉnh rất khó.