Theo BHXH Việt Nam, tới hết 31/12/2019, số người tham gia BHXH đạt hơn 15,7 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Để mở rộng phát triển đối tượng tham gia BHXH cùng các nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Cơ quan BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể công chức viên chức (CCVC), người lao động (NLĐ) Khối Cơ quan BHXH Việt Nam, với chủ đề: “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, để thực hiện tốt phong trào thi đua, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng đề nghị các đơn vị thuộc Khối Cơ quan BHXH Việt Nam cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát chủ đề của phong trào thi đua để tích cực tham mưu, đề xuất, xây dựng chính sách, giải pháp công tác, nhằm hoàn thành thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu, căn cứ vào chủ đề và nội dung của phong trào thi đua, các đơn vị tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng đơn vị cũng như nhiệm vụ chính trị của Cơ quan BHXH Việt Nam và của Ngành giai đoạn 2020-2025.
Mới đây, BHXH Việt Nam tiếp tục có Công văn số 1700/BHXH-KHĐT yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân... triển khai xây dựng Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của đơn vị mình.
Theo BHXH Việt Nam, việc xây dựng Kế hoạch và Chương trình hành động này thực hiện căn cứ theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo.
Trong công văn này, BHXH Việt Nam cũng hướng dẫn các đơn vị một số nội dung chủ yếu cần xây dựng.
Cụ thể, với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, trước khi xây dựng, các đơn vị cần đánh giá toàn diện việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Việc đánh giá sẽ phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và HĐND các cấp về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
“Đánh giá khách quan, trung thực, đúng thực tiễn và đầy đủ các kết quả đạt được; các khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục cho giai đoạn tới, trong đó có đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19”, BHXH Việt Nam đề nghị.
Cũng theo công văn, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của các đơn vị sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Dự báo các yếu tố có tác động, ảnh hưởng tới Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Ngành, của đơn vị; xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm phải đảm bảo tính khả thi, sát thực tiễn; phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và đặc điểm, trình độ phát triển của Ngành, của đơn vị.
BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị hoàn thành Kế hoạch và Chương trình hành động, gửi về BHXH Việt Nam trước ngày 20/7/2020. Trên cơ sở Kế hoạch và Chương trình của các đơn vị cung cấp, Vụ KH-ĐT sẽ tổng hợp, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của toàn Ngành, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo tiến độ quy định.
Văn phòng BHXH Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, tính đến ngày 28/5, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 14,3 triệu người, đạt 89,4% kế hoạch; BHXH tự nguyện là 556 nghìn người, đạt 46,4% kế hoạch; BHYT là 84,1 triệu người, đạt 95,5% kế hoạch. Có 52 BHXH tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, DN, với tổng số 1.133 đơn vị (104.948 NLĐ) đã được phê duyệt hồ sơ, với số tiền tạm dừng đóng ước khoảng 388 tỷ đồng.