Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln trong một cuộc tập trận chung với Nhật Bản. (Ảnh: US Navy) |
Những điểm nóng Đài Loan (Trung Quốc), Triều Tiên, Biển Đông, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, và quần đảo Kuril đều mang hiệu ứng từ xung đột ở Ukraine.
Đài Loan (Trung Quốc)
Với Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ cũng cam kết cung cấp những vũ khí cần thiết để hòn đảo tự bảo vệ, dù không điều quân đến. Đó là bài học rút ra từ Ukraine, đối với Mỹ và các đồng minh, cũng như với Trung Quốc.
“Nói một cách đơn giản, rất khó để các lãnh đạo Mỹ thuyết phục Trung Quốc rằng họ sẵn sàng mạo hiểm với một cuộc chiến ở Đài Loan, để từ đó có nguy cơ sa vào chiến tranh hạt nhân”, Peter Harris, phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH bang Colorado, viết trong bài đăng tuần này.
“Điều này đặc biệt đúng khi Tổng thống Biden từ chối một cách mơ hồ việc cam kết đưa quân đến Ukraine vì lo nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Nga”, ông Harris viết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều quốc gia đã sát cánh với Ukraine, bằng cách trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí cho Kiev.
Ông cho rằng điều này sẽ khiến Trung Quốc thận trọng hơn với đảo Đài Loan (Trung Quốc), để tránh nguy cơ bị trừng phạt tương tự.
“Trung Quốc chắc chắn không nghi ngờ việc Nhật, Úc, Hàn Quốc, Philippines và các nước khác ở khu vực sẽ buộc phải nghĩ lại về chiến lược an ninh quốc gia của họ vì sức mạnh ngày càng lớn và các hành động của Bắc Kinh”, ông Harris viết.
Và một phần nhiệm vụ của ông Biden trong chuyến thăm Đông Bắc Á lần này sẽ là đoàn kết khu vực.
Triều Tiên
Triều Tiên đã phóng thử số lượng tên lửa nhiều kỷ lục trong mấy tháng đầu năm nay, và có dấu hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Những vụ phóng này diễn ra trong bối cảnh đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ về vấn đề phi hạt nhân tiếp tục bế tắc.
Giới quan sát cho rằng Triều Tiên gia tăng phóng thử vũ khí để thu hút sự chú ý của Mỹ nhằm khởi động lại đàm phán.
Một số chuyên gia cho rằng ông Biden có thể giảm mối đe doạ từ Triều Tiên bằng cách tăng cường các quan hệ đối tác của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Quần đảo Kuril
Quần đảo mà Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc này thuộc quyền quản lý của Nga từ khi Nhật Bản đầu hàng quân đồng minh năm 1945.
Bất đồng về quyền sở hữu hợp pháp quần đảo này khiến Tokyo và Mátxcơva đến giờ vẫn chưa ký được hiệp ước hoà bình.
Xung đột ở Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn, sau khi Tokyo áp hàng loạt biện pháp trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Nga.
Nga cũng đang tăng cường hoạt động quân sự ở Tây Thái Bình Dương, bằng cách thử tên lửa trên vùng biển nằm giữa Nga và Nhật Bản và cùng Hải quân Trung Quốc tập trận.
“Vì những điều đó, quan điểm của Nhật Bản về khu vực rìa phía bắc đã thay đổi đáng kể”, Robert Ward, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế về an ninh, nhận định.
Căng thẳng ở phía bắc tạo ra cái mà Ward gọi là “vòng cung rủi ro” đối với Nhật Bản, từ hướng quần đảo Kuril, Triều Tiên, biển Hoa Đông và đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Điều này cũng là mối bận tâm của ông Biden, vì Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước phòng thủ tương hỗ.
Biển Đông
Yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với hầu khắp vùng Biển Đông rộng 1,3 triệu dặm vuông trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Các chuyên gia cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine cũng như ở eo biển Đài Loan, Triều Tiên và quần đảo Kurils khiến tình hình Biển Đông gần đây hạ nhiệt đôi chút.
Collin Koh, nhà nghiên cứu công tác tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam Singapore, lưu ý rằng trong năm 2022, Hải quân Mỹ có vẻ đang hạn chế hoạt động tự do hàng hải gần các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Từ đầu năm đến nay mới có một chuyến như vậy, diễn ra vào tháng 1.
“Có vẻ chính quyền Biden đang chuyển từ tập trung vào quân sự sang địa kinh tế nhiều hơn”, ông Koh nhận định.
Ông Koh cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine khiến Bắc Kinh nhận ra rằng họ có thể gặp vấn đề tương tự khi cố bảo vệ các cấu trúc quân sự hoá ở Biển Đông.
“Ngay cả khi Trung Quốc có thể giành được ưu thế ban đầu bằng cách chiếm một số cấu trúc ở Biển Đông, nhưng việc giữ được những cấu trúc đó trong dài hạn không phải điều chắc chắn”, ông Koh nói.
Ấn – Trung
Ấn Độ là một thành viên của "Bộ tứ", một liên minh lỏng lẻo của Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Ấn Độ có quan hệ gần gũi từ lâu với Nga, và hiện nay hai bên vẫn tiếp tục giữ gìn.
Tuy nhiên, GS Harsh V. Pant, công tác tại trường Kings College London và là giám đốc Quỹ nghiên cứu Obsever ở New Delhi, cho rằng có 2 yếu tố từ Ukraine có thể khiến Ấn Độ nghiêng về Mỹ.
Thứ nhất, những thông tin tình báo mà Washington và các đồng minh cung cấp đã giúp Ukraine ngăn chặn và làm chậm đà tiến quân của Nga trên chiến trường.
Ấn Độ có quan tâm tương tự Mỹ trong lĩnh vực giám sát và tìm hiểu năng lực quân sự của Trung Quốc.
Thứ hai, vai trò của Nga khi cung cấp một nửa số vũ khí trong kho của Ấn Độ có thể sẽ gặp một số vấn đề về bảo dưỡng và bộ phận thay thế, trong bối cảnh Nga đang phải sử dụng rất nhiều vũ khí ở Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế khiến mọi trao đổi với bên ngoài trở nên khó khăn.
Ông Pant nói rằng Washington và các đồng minh có thể sẽ vừa cung cấp vũ khí, vừa chuyển giao công nghệ để Ấn Độ tự sản xuất.
Đó có thể là một chủ đề lớn trong cuộc họp của các lãnh đạo "Bộ tứ" tại Tokyo trong tuần tới.