Năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến mục tiêu 43 tỷ USD

Thúc đẩy công nghiệp chế biến là một trong những khâu để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Thúc đẩy công nghiệp chế biến là một trong những khâu để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
TPO - Năm 2020, Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 43 tỷ USD, đến năm 2025 là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và lọt vào top 10 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Nhận diện thách thức

Năm 2019, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng…

 Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, Bộ NN&PTNT cũng nhận định nhiều thách thức trong năm 2020 và giai đoạn tới. Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Kinh tế tăng trưởng chậm, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước...

Ở trong nước, năm 2020 ngành nông nghiệp tiếp tục xác định đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới: Chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm còn thấp, nên năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế. 

 Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tiếp tục tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, xâm nhập mặn ở nhiều nơi sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó bệnh dịch tả lợn châu Phi cần thời gian dài để xử lý.

 Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, tương lai của ngành rau quả Việt Nam còn vô cùng lớn, ngay như mặt hàng chuối của Việt Nam có thể xuất khẩu 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Khuê cũng cho rằng, ngành rau quả Việt Nam đã và đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trên thị trường quốc tế. Chanh leo Việt Nam-dù chiếm thị phần lớn nhất thế giới song đang phải cạnh tranh quyết liệt với chanh leo Ecuador, Peru…; chuối Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với chuối Philippines.

Năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến mục tiêu 43 tỷ USD ảnh 1 Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản lợi thế của Việt Nam

Vì thế, để khai thác hết tiềm năng, dư địa thị trường xuất khẩu rau quả, ông Khuê kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cần tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành rau quả  trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục tham gia hội chợ lớn tại các thị trường tiềm năng.

Theo ông Khuê, cần định hướng linh hoạt cho việc chuyển đổi cây công nghiệp kém giá trị sang cây ăn quả như ở Tây Nguyên, không nhất thiết phải trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su, khi mà giá quá rẻ.. Đồng thời, quá trình xây dựng các vùng nguyên liệu cần phải liên kết chặt chẽ, bền vững giữa nông dân, HTX với các DN chế biến. “Bởi, DN đầu tư nhà máy rồi, nhưng không đảm bảo nguyên liệu để chế biến thì vô cùng gay go”, ông Khuê nói.

Mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD

Năm 2020, ngành nông nghiệp xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

 Theo đó, ngành đặt  mục tiêu tăng trưởng GDP 2,8 - 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng 42%.

 Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 17.000 HTX Nông nghiệp.

Năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng đến mục tiêu 43 tỷ USD ảnh 2 Năm 2019, ngành gỗ và lâm sản đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu với 11,3 tỷ USD

Còn mục tiêu đến 2025, GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới. Trong đó, giá trị xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020 và thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP).

Khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước khống chế được dịch tả lợn Châu phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng" IUU của EC đối với đánh bắt hải sản.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

 Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh quy định về quản lý linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa phù hợp với Luật Quy hoạch và định hướng thị trường; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả hơn.

MỚI - NÓNG