Ùn, ứ, ế, nông, thủy sản xuất sang Trung Quốc: Năm sai lầm lớn

Theo các chuyên gia, nông sản, thủy sản của Việt Nam vẫn có cửa xuất khẩu tốt sang Trung Quốc nếu chất lượng và phương thức kinh doanh có sự thay đổi
Theo các chuyên gia, nông sản, thủy sản của Việt Nam vẫn có cửa xuất khẩu tốt sang Trung Quốc nếu chất lượng và phương thức kinh doanh có sự thay đổi
TP - Các doanh nghiệp, tổ chức vẫn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính; không đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao; sản xuất nông, thủy sản không theo vùng; chỉ tập trung giao thương với các tỉnh biên giới và giữ tâm lý làm ăn với Trung Quốc  theo lối tiểu ngạch… là 5 sai lầm lớn nhất khiến nông, thủy sản Việt khi xuất sang Trung Quốc phải trả giá. 

Đó là nhận định được lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng nhiều doanh nghiệp chỉ ra tại Hội nghị Phát triển xuất nhập khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNTN tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.

Chỉ ra ba thách thức lớn với hàng hóa Việt Nam, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bên cạnh những thay đổi về chính sách quản lý xuất nhập khẩu hàng nông, thủy sản, việc Trung Quốc đang tái cơ cấu kinh tế trong đó tập trung đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn cũng là thách thức với nông, thủy sản Việt Nam. Theo ông Cường, với Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân, việc nông sản và hàng hóa Việt tìm được thị trường tiêu thụ không phải chuyện khó khăn.

Vấn đề chính của hàng hóa Việt khi sang Trung Quốc không cạnh tranh được là do không nâng cao được chất lượng, giá trị xuất khẩu, chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. “Việt Nam có 9 loại trái cây được xuất chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Các số liệu cho thấy, 8 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã tăng trưởng hơn 20%. Vì vậy, nếu làm tốt từ sản xuất, làm theo chuỗi, không có lý do gì không bán được hàng”, ông Cường nói.

Cục phó Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Trung Quốc là thị trường cực quan trọng đối với nông, thủy sản của Việt Nam. Với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Hiện tại, Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... Đồng thời, đây vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

“Từ phía Việt Nam, nông, thủy sản chưa đáp ứng được tốt các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác… khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp còn thiếu  thông tin, chưa chủ động nghiên cứu tìm hiểu chính sách thị hiếu, nhu cầu thị trường, cùng với đó, Việt Nam vẫn duy trì tập quán làm ăn nhỏ lẻ, chưa bài bản, chính quy…”, ông Hải nói.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), các DN Việt đang mắc rất nhiều sai lầm khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đang ngày càng tăng và yêu cầu về chất lượng hàng nông, thủy sản cũng tăng lên rất nhiều. Việc nhận thức của rất nhiều lãnh đạo địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp chưa đúng về thị trường Trung Quốc rằng, đây là thị trường dễ tính, không quan tâm nhiều đến chất lượng và sản xuất số lượng lớn là bán được…là sai lầm chính.

Cứ nuôi, trồng hàng hóa mà không có sự chuẩn bị kỹ về thị trường, đầu mối tiêu thụ và cứ đến mùa thu hoạch là ồ ạt mang hàng lên biên giới bán là sai lầm nhiều năm qua, các DN vẫn mắc phải. Đến khi hàng không bán được, tồn, ùn ứ ở biên giới thì nhiều địa phương lại kêu gọi giải cứu như trường hợp giải cứu dưa hấu mới đây nhất ở Lạng Sơn. Cùng đó, các DN, hợp tác xã không quan tâm đến việc vườn trồng đã nằm trong vùng được phê duyệt của Trung Quốc hay chưa cũng là một nhận thức sai lầm. “Nhiều DN coi quan hệ với Trung Quốc là thương mại biên giới và đây là điều khiến DN phải trả giá”, bà Oanh nói.

Thay đổi hướng xuất khẩu là cấp bách

Về kinh nghiệm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty VinaFoods 1 cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này giảm tới 67% một phần do họ tăng cường siết về kiểm dịch và tăng cường yêu cầu an toàn thực phẩm. Thứ hai, Trung Quốc có lượng dư tồn kho rất lớn. Nếu trước đây họ là nước nhập khẩu lớn thì hiện nay họ là nhà xuất khẩu.Vì vậy, việc nắm rõ thị trường cũng như có chiến lược kinh doanh phù hợp thì mới thành công. Cùng đó việc linh hoạt với thị trường, tìm các thị trường thay thế cũng là giải pháp tốt.

Theo bà Tâm, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, dự kiến cuối năm sẽ xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn, đủ bù cho thị trường Trung Quốc. “Với tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ trở thành nhà XK gạo lớn thứ 5 thế giới. Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như triển khai đầu tư nông nghiệp sang Campuchia và Myanmar nên giảm nhu cầu nhập khẩu gạo. Để hỗ trợ DN, cần sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương, các sở ngành”, lãnh đạo VinaFood 1 nói.

Nhận trách nhiệm cùng Bộ trưởng NN&PTNT liên quan trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách cũng như tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các cơ quan quản lý phải đồng hành với DN, nông dân trong chuyển đổi hướng xuất khẩu là việc bắt buộc.

Theo ông Trần Tuấn Anh, những khó khăn về XK sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm và các bộ ngành, DN cũng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết. Tuy nhiên, thời điểm này, không thể chậm trễ được nữa, vì Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ liên quan chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhiều mặt hàng trước đây có sự tăng trưởng đột biến đã sụt giảm không nhỏ như: Rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1%; sắn và sản phẩm sắn đạt 466 triệu USD, giảm 9,6%; gạo đạt 159 triệu USD, giảm 67,5%; cà phê đạt 52,7 triệu USD, giảm 8,9%.

MỚI - NÓNG