Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Gặp khó khăn kép

Chế biến cá tra xuất khẩu Ảnh: Cảnh Kỳ
Chế biến cá tra xuất khẩu Ảnh: Cảnh Kỳ
TP - Bên cạnh việc siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và an toàn thực phẩm, gần đây, Trung Quốc còn phá giá đồng nhân dân tệ (NDT). Điều này ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông, thủy sản của nhiều nước sang thị trường tỷ dân này, trong đó có Việt Nam.

Nông sản bị ép giá

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), Trung Quốc phá giá đồng NDT nhằm hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đối với nhập khẩu thì họ bị ảnh hưởng. Cụ thể, hiện nước này muốn mua 1 USD phải mất 7 NDT thay vì 6 NDT như trước đây.“Ví dụ, trước đây Trung Quốc mua gạo của Việt Nam với giá 400 USD/tấn thì họ bỏ ra 2.400 NDT. Còn bây giờ họ phải bỏ ra 2.800 NDT để mua 1 tấn gạo đó” - ông Bình dẫn chứng và cho rằng, điều này dẫn đến việc thương nhân Trung Quốc quay sang ép giá thương nhân Việt Nam.

Khi bị ép giá, trị giá gạo XK giảm, doanh nghiệp phải cân đối lại mức giá thu mua lúa từ nông dân cho hợp lý, dẫn đến giá lúa giảm. Những tháng đầu năm 2019, dù sản lượng gạo XK giảm không đáng kể so với cùng kỳ nhưng trị giá giảm đến hơn 20%. Ngoài mặt hàng gạo, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, xét ở góc độ kinh tế, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT có ảnh hưởng rất lớn, vì đây là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhiều loại nông, thủy sản của Việt Nam. Ảnh hưởng lớn nhất là giá trị sản phẩm XK của Việt Nam bị sụt giảm, vì bị thương nhân Trung Quốc ép giá. Khi đó, DN phải cân đối, tính toán lại và sẽ giảm giá thu mua sản phẩm của nông dân. “Trước đây, bán lô hàng 100 triệu đồng, nhưng giờ cũng lô hàng tương tự chỉ còn 90 triệu đồng thôi. Bất chợt Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến DN gặp khó, mà DN khó thì nông dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”, bà Thu nói.

Mặt khác, thay đổi chính sách lớn nhất ở thị trường Trung Quốc là việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu tiểu ngạch.Đơn cử như mặt hàng sầu riêng, khi ra đến cửa khẩu mà không có đủ thủ tục, hồ sơ thông quan, doanh nghiệp phải mang về bán đổ, bán tháo. Thương lái Trung Quốc hiện tại cũng không còn trực tiếp sang Việt Nam để mua sầu riêng. Trong khi đó, với các sản phẩm doanh nghiệp Việt được XK chính ngạch, phía Trung Quốc cũng đã tăng cường kiểm soát hơn so với trước đây.Khi phát hiện sản phẩm có vấn đề trong khâu kiểm dịch, họ có quyền trả hàng bất cứ lúc nào.

Hiện tại, chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam được phép XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo bà Thu, công ty của bà đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất, đóng gói theo quy trình được phía Trung Quốc đưa ra đối với sản phẩm măng cụt. Đây là loại trái cây thứ 9 của Việt Nam được phép XK chính ngạch sang Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ phải đàm phán mở cửa thêm cho nhiều loại mặt hàng trái cây của Việt Nam được XK chính ngạch, thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện nhiều vấn đề để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường này.

XK thủy sản tiếp tục khó khăn

Tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018, XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm 2019 giảm 2,3%, trong đó, XK tôm giảm gần 5%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân trước hết do Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).

Từ ngày 1/5/2018, sau khi Hải quan Trung Quốc phụ trách việc kiểm soát ATTP đối với thủy hải sản, họ siết chặt thương mại nông thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra ATTP đối với thủy sản XK qua đường chính ngạch. Nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn quen XK tiểu ngạch, thiếu thông tin về những quy định XK qua đường chính ngạch nên bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm XK tiểu ngạch.

Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu thủy hải sản XK của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào nước này; doanh nghiệp phải xuất trình được chứng nhận kiểm dịch, C/O, bao bì đóng gói có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc…

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không nắm rõ quy định này nên không đưa được hàng vào Trung Quốc. Đơn cử mực khô không xuất được, vì không có trong danh mục sản phẩm được XK chính ngạch, kết quả 6 tháng đầu năm nay bị giảm 80%. Với mặt hàng tôm, do khối lượng lớn tôm của Ấn Độ, Ecuador được tạm nhập tái xuất qua Việt Nam sang Trung Quốc nên cũng khiến cho XK tôm chính ngạch của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm mạnh…

Theo VASEP, có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp XK cá tra, basa, gần 50 doanh nghiệp XK tôm và một số doanh nghiệp hải sản. Một số lượng đáng kể doanh nghiệp XK sang thị trường này bị ảnh hưởng sẽ làm giảm doanh số thủy sản XK nói chung. Xu hướng giảm XK dự báo còn tiếp tục vì chưa thể khắc phục ngay những khó khăn của thị trường. Dự báo, kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc năm nay có thể giữ được mức 1,2 tỷ USD, tương đương năm 2018.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...