Mỹ “dọn đường” điều tàu tiến sát đảo nhân tạo Trung Quốc

Mỹ được cho là chuẩn bị điều chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông. Ảnh: Getty Images
Mỹ được cho là chuẩn bị điều chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông. Ảnh: Getty Images
TP - Washington đã thông báo cho các đồng minh tại châu Á về kế hoạch thực hiện các cuộc tuần tra hải quân sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn, xây dựng trái phép tại biển Đông, động thái chắc chắn sẽ gây căng thẳng với Bắc Kinh sau chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, tờ New York Times hôm qua cho biết.

Các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” này sẽ được tiến hành trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong số các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa. Giới chức Mỹ cho biết, động thái này nhằm thách thức yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển rộng với các tuyến đường biển chiến lược này, bằng cách mở rộng, bồi lấp các rạn san hô thành các hòn đảo nhân tạo đủ lớn để xây dựng đường băng, lắp đặt thiết bị radar và doanh trại cho binh lính.

Giới chức ở Philippines cho biết, họ đã được thông báo về kế hoạch tuần tra từ nhiều ngày qua. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia, nói rằng, ông hoan nghênh quyết định này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry đã lên lịch thảo luận về việc tuần tra với phía Australia tại Boston ngày 12-13/10. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Harry B. Harris Jr.(người từ nhiều tháng trước đã yêu cầu đáp trả hành động của Trung Quốc ở biển Đông), cũng tham dự cuộc họp này.

Cố vấn cao cấp về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Daniel Kritenbrink, nói với nhóm các nhà phân tích tại một cuộc họp ở Washington rằng, Nhà Trắng đã quyết định tiến hành tuần tra. Ông Kritenbrink không nói rõ khi nào cuộc tuần tra sẽ diễn ra, nhưng ông cho biết, kế hoạch này vốn bị trì hoãn để không làm gián đoạn chuyến thăm Mỹ của ông Tập hồi cuối tháng 9.

Chính quyền của ông Obama và các đồng minh châu Á từ lâu đã thảo luận làm sao để đáp trả tốt nhất những hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Một số hối thúc phải thực hiện các cuộc tuần tra nhằm chống lại Bắc Kinh, trong khi số khác lo ngại rằng, Trung Quốc có thể viện cớ các cuộc tuần tra để biện bạch cho việc tăng cường quân sự hóa biển Đông.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố rằng, sẽ đáp trả nếu chiến hạm Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo. “Không có chuyện chúng tôi dung thứ việc vi phạm lãnh hải và không phận Trung Quốc của bất cứ nước nào với cái cớ duy trì tự do hàng hải và hàng không”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố cuối tuần trước. Trung Quốc còn “quan ngại sâu sắc” về thông tin Mỹ có kế hoạch tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép tại Trường Sa.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với tổng thống Obama, ông Tập khẳng định Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo ở biển Đông. Nhưng chính xác ông Tập muốn nói gì thì không rõ, vì ông không đả động chút gì tới vấn đề này trong cuộc hội đàm riêng với ông Obama, quan chức Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ khẳng định, một trong những mục tiêu của các cuộc tuần tra là kiểm tra thực chất phát biểu của ông Tập Cận Bình. Cũng tại cuộc họp báo với ông Tập, ông Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của lưu thông hàng hải và tuyên bố “Mỹ sẽ tiếp tục hàng hải, bay và hoạt động tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh ngang nhiên cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo, tuyên bố hải quân Mỹ sẽ hoạt động ở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép.

Tân Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull ngay sau khi nhậm chức đã tuyên bố việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là “phản tác dụng”. Nhưng có khả năng ông sẽ thận trọng trong việc đối đầu với Trung Quốc, nhà phân tích quốc phòng Hugh White nhận định.

Tại Manilla, ông Trillanes nhấn mạnh các cuộc tuần tra cần được tiến hành, “Việc đó khá mạo hiểm, nhưng hiện nay chúng ta cần biết Trung Quốc muốn mở rộng giới hạn tới đâu để bảo vệ những hòn đảo mới của họ”. Trillanes cho biết, ông không lo ngại động thái như vậy có thể làm tăng khả năng xung đột trong khu vực. “Mỹ đã tính toán rồi. Họ sẽ không làm điều này nếu căng thẳng leo thang cao hơn so với những gì họ dự đoán”, ông nói.

Bộ trưởng ngoại giao Philippines

Albert F. del Rosario cho rằng, các cuộc tuần tra của Mỹ sẽ giúp duy trì ổn định trong khu vực. “Thất bại trong việc thách thức chủ quyền giả tạo sẽ hủy hoại trật tự khu vực và dẫn dắt Trung Quốc tới những kết luận sai lầm rằng, đòi hỏi chủ quyền của họ là thực tế đã được chấp nhận”, ông Rosario nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói: Mỹ có quyền bảo vệ lợi ích của mình nhưng nên thận trọng.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển thừa nhận vùng phạm vi 12 hải lý của các đảo hình thành tự nhiên, nhưng không thừa nhận phạm vi này với các bãi đá nổi được xây dựng, bồi lấp thành các đảo nhân tạo. Trung Quốc gần đây đã ồ ạt bồi lấp, cải tạo, xây dựng ít nhất 5 bãi đá thành các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam với 3 đường băng đủ khả năng cất hạ cánh máy bay chiến đấu.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.