Mỹ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc về biển Đông

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Scott Swift, trên máy bay P-8 Poseidon thực hiện chuyến bay thị sát biển Đông mới đây. Ảnh: Getty Images
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Scott Swift, trên máy bay P-8 Poseidon thực hiện chuyến bay thị sát biển Đông mới đây. Ảnh: Getty Images
TP - Một số quốc gia liên tục đưa ra yêu sách chủ quyền phi pháp trên vùng biển quốc tế, tự cho mình quyền hạn chế quyền tự do hàng hải, đe dọa gây mất ổn định khu vực…, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Scott Swift, vừa đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc, Reuters ngày 6/10 đưa tin.

Đô đốc Scott Swift mới đây phát biểu rất cứng rắn và rõ ràng tại Úc rằng, hơn bao giờ hết, Mỹ kiên quyết duy trì cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải. “Tôi có cảm giác rằng, một số quốc gia xem tự do hàng hải như của tự nhiên, có thể lấy được, có thể chiếm dụng bằng luật pháp trong nước họ hoặc có thể đoạt được bằng cách xem xét lại luật pháp quốc tế”, ông Swift phát biểu tại hội nghị hàng hải ở Sydney.

“Một số các quốc gia tiếp tục đưa ra những cảnh báo vô giá trị, hạn chế quyền tự do hàng hải trên vùng nước họ coi là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Đồng thời liên tục đưa ra những đòi hỏi chủ quyền phi pháp trên các vùng nước quốc tế, hoàn toàn không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Xu hướng hành vi này đang ngày càng nghiêm trọng trên vùng biển có tranh chấp chủ quyền”, ông nói tiếp.

“Để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, không có giải pháp nào khác hơn là đối thoại. Đây là thông điệp của Pháp gửi đến mọi nước liên quan, kể cả các đối tác gần gũi nhất của chúng tôi, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc”.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls (trả lời phỏng vấn báo Nhật Bản Yomiuri ngày 3/10).

Trung Quốc tuyên bố đòi hỏi chủ quyền phi pháp trên hầu hết diện tích biển Đông, nơi có tuyến đường vận tải thương mại quốc tế trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm, và gần đây liên tục có những hành động gây căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc còn tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền một số hòn đảo trên biển Hoa Đông.

Mỹ đã liên tục kêu gọi Trung Quốc dừng việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Phía Trung Quốc cho rằng, họ có “chủ quyền” không thể chối cãi trên biển và có quyền bồi đắp đảo nhân tạo, xây căn cứ quân sự, nhưng lại khẳng định hoàn toàn không có ý định gây căng thẳng hoặc nhằm vào bất kỳ nước nào.

Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ đang quân sự hóa biển Đông bằng những đợt tuần tra và diễn tập quân sự chung với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Trung Quốc và Mỹ đổ trách nhiệm cho nhau về những động thái gây nguy hiểm trong các sự cố gần đây liên quan những tình huống đối đầu máy bay và chiến hạm.

“Nói đơn giản, chúng tôi tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải cho mọi quốc gia vì chúng ta hiểu rất rõ từ kinh nghiệm đau đớn của quá khứ, đô đốc Swift tuyên bố.

Thúc giục Mỹ cứng rắn hơn

Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố họ vô cùng quan ngại trước lời phát biểu của một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ (đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương) rằng, cần đáp trả những tuyên bố thách thức của Trung Quốc ở biển Đông bằng cách điều các máy bay và chiến hạm Mỹ tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, xây dựng.

The Diplomat (Nhật Bản) ngày 6/10 nêu ý kiến của GS Sean Henseler thuộc Trường Hải chiến Mỹ rằng, Nhà Trắng cần phải phê duyệt hành động tự do hàng không, hàng hải qua lại khu vực bên trong 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa trái phép ở quần đảo Trường Sa càng sớm càng tốt.

Theo ông Henseler, việc đảm bảo tự do hàng không, hàng hải ở biển Đông của hải quân Mỹ là cách tốt nhất để cho Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới thấy rằng, Mỹ sẽ không khoanh tay ngồi nhìn bất cứ hành vi bất hợp pháp nào xâm phạm quyền tự do hàng không, hàng hải.

MỚI - NÓNG