Trầm cảm - Sát thủ vô hình - Bài cuối:

Một chương trình quốc gia chống trầm cảm?

Trong phòng khám bệnh trầm cảm.
Trong phòng khám bệnh trầm cảm.
TP - Bệnh trầm cảm là hiện tượng mới ở Việt Nam nên không phải ngạc nhiên khi cơ sở vật chất khám chữa bệnh cũng như khâu đào tạo cán bộ còn khiếm khuyết nhiều.

Cần những góc nhỏ bình yên

Tới thăm một phòng khám tư nhân ở quận 1, TPHCM chúng tôi được biết sở dĩ các bác sĩ vốn xuất thân từ bệnh viện đã ra ngoài mở phòng khám tư là do nhu cầu bệnh nhân khá nhiều. Bên cạnh đó, bệnh trầm cảm cần một không gian riêng tư, một quãng thời gian vừa đủ cho việc thăm khám.

Các bác sĩ nói: “Các bệnh nhân than phiền khám ở bệnh viện rất đông, nhiều chuyện tế nhị không đủ thời gian để nói, nên họ tìm tới phòng khám tư”.

Bác sĩ Diệp nhiều năm khám chữa căn bệnh này khá lạc quan: “Trầm cảm là bệnh có thể chữa được. Khả năng thành công cao, thậm chí 80%. Vấn đề là can thiệp thế nào? Hồi phục một phần hoặc hồi phục toàn bộ? Có khả năng tái phát không?”. “Vấn đề là phải điều trị đủ”.

Có bệnh nhân chỉ mười ngày thăm khám đã ổn định, có người vài tháng. Nhưng theo các bác sĩ, cần duy trì ít nhất phải 6 tháng đến 12 tháng điều trị mới chữa dứt điểm và tránh tái phát hiệu quả.

Các bác sĩ cho biết người Việt Nam chúng ta còn dị nghị với các loại bệnh tâm thần, nên ai cũng ngại vào viện tâm thần để khám, trong khi chưa có bệnh viện dành riêng cho bệnh trầm cảm, “thậm chí chuyên khoa trầm cảm còn chưa có”. Tâm lý e ngại khiến các bệnh nhân thường bỏ khám sau khi bệnh thuyên giảm, kết cục tỷ lệ tái phát cao.

Một bác sĩ cũng tâm sự có bệnh nhân theo chữa 3 tháng, bệnh tình khá ổn, nhưng rồi tự ngừng uống thuốc 2 tháng nên đã nhảy lầu tự sát, may không chết. Bản chất bệnh trầm cảm nặng đã là chán nản mọi thứ, không thiết sống, nói gì việc tự uống thuốc hàng ngày trong thời gian 1 đến 2 năm ròng mà không có ai đốc thúc, động viên một câu. Điều trị ngoại trú chứa đựng nhiều nguy cơ với bệnh nhân nặng, nhất là những cú sốc bất ngờ mà họ phải chịu như tang tóc, ốm đau.

Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn “Ở Mỹ, người ta dành cho bệnh trầm cảm 65 tỷ USD/năm. Việt Nam nên tăng cường tuyên truyền về bệnh lý trầm cảm trong cộng đồng, phòng ngừa tự sát trong trầm cảm qua các được dây nóng và các phòng khám”. Cần hoàn thiện kỹ năng của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng như bác sĩ đa khoa trong việc phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết chi phí điều trị bệnh trầm cảm không lớn, chỉ chừng 500.000- 1.000.000 đồng/tháng. Vấn đề là họ có kiên trì theo chữa hay không? Bác sĩ Hoàn lưu ý: “Trường hợp nặng phải yêu cầu nhập viện, trong hai tuần đầu cho uống thuốc và tăng vận động giải ức chế so bệnh nhân vẫn còn ý nghĩ tự tử, nên phải hết sức cẩn thận”.

Tới thăm Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cơ sở khám chữa bệnh chính diện tích vỏn vẹn 1.700 m2 vốn là một khoa tâm thần của Bệnh viện Chợ Quán trước 1975.

Giám đốc bệnh viện nói: “Ở đây không có khuôn viên vui chơi giải trí gì hết. Số giường nội trú tại cơ sở này chỉ 60 giường. Diện tích quá nhỏ mà mở rộng cơ sở thì chúng tôi… “bó tay”.

Cơ sở khám chữa bệnh tâm thần cho trẻ dưới 17 tuổi, mỗi ngày thăm khám gần 200 cháu mà diện tích cũng chỉ vỏn vẹn 300m2, cầu thang đi lọt một người. Bệnh viện có một trung tâm điều trị 600 giường nhưng ở xa và điều trị rất nhiều loại bệnh tâm thần khác nhau cùng chung một địa điểm.

Một chương trình quốc gia chống trầm cảm?

Bác sĩ Trần Duy Tâm, một chuyên gia y tế cộng đồng nói: “Thời gian gần đây phát hiện nhiều bệnh nhân trầm cảm hơn, có thể một phần do các cơ sở y tế ngày một mở rộng, bao phủ nhiều địa bàn hơn trước, chứ không hẳn là số bệnh nhân tăng cao”.

Các bác sĩ cho biết tại TPHCM mới chỉ tầm soát tổng số bệnh nhân tại 1 phường ở quận 5 để điều trị theo chương trình quốc gia mà thôi. Các phường khác tình hình thế nào không ai biết. Bác sĩ tham gia chương trình cho biết “Tác động của chương trình rất tốt và cần nhân rộng mô hình này, bởi người trầm cảm còn nhiều lý do e ngại đến với bệnh viện. Điều kiện sống của người dân cũng còn nghèo”.

Một chương trình quốc gia chống trầm cảm? ảnh 1

Niềm vui của người nhà khi bệnh nhân khỏi bệnh

Nhiều bác sĩ băn khoăn việc tầm soát, thống kê bệnh nhân rồi triển khai cấp thuốc kéo dài được bao lâu? “nếu tầm soát xong mà không chữa trị đến nơi đến chốn cũng không mấy tác dụng”.

Bác sĩ Giang nói ở Việt Nam chủ yếu tiếp cận khám chữa bệnh bằng thuốc còn liệu pháp tâm lý nhiều hạn chế. Thậm chí các trường Y không đào tạo chuyên ngành này nên phòng khám hiện vẫn nhờ vào Khoa tâm lý của các trường đại học ngoài ngành y.

Bác sĩ Hoàn cũng cho biết các phương pháp điều trị không mấy đa dạng: “Việt Nam chủ yếu dùng liệu pháp nhận thức hành vi còn liệu pháp phân tâm thì không phổ biến và hầu như không được đào tạo chính quy”.

Các nước phát triển, việc điều trị trầm cảm là công việc liên ngành, thường bao gồm bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý, nhân viên xã hội. Họ vừa dùng thuốc chữa trị, vừa có người hỗ trợ tâm lý, lại có người giải quyết các mối quan hệ xã hội của bệnh nhân như với gia đình, với cơ quan, với vợ chồng…

“Chúng ta chữa bệnh trầm cảm chủ yếu dựa vào thuốc” – Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết.

“Đa số bệnh nhân có cái nhìn tiêu cực về mọi vấn đề trong cuộc sống và họ chỉ tiếp cận cuộc sống bằng cách nhìn ấy”. Liệu thuốc nào chữa được bệnh bi quan?

Bác sĩ Diệp thường động viên người bệnh rằng: “Có thể bạn đang ở cuối đường hầm, nhưng, nếu bạn để tâm một chút, bạn sẽ thấy còn nhiều đường hầm khác cho mình thoát ra. Vấn đề là bạn muốn thoát ra hay không?”.

Một giáo viên bị trầm cảm với ý nghĩ học sinh ngày nay hư hỏng hơn hồi trước, không tôn trọng giáo viên và giáo viên không tác động đến được các em nhiều như trước.

“Tôi đã phải thuyết phục cô ấy rất nhiều, rằng đó là tình trạng chung chứ không riêng gì lớp của cô và thực tế nếu không nhìn bằng cái nhìn bi quan ấy, cô sẽ thấy các em bây giờ năng động hơn, tự tin, cá tính hơn” – bác sĩ Diệp kể.

Một chương trình quốc gia chống trầm cảm? ảnh 2

Bác sĩ Diệp

Tuy nhiên, với những trường hợp khó, chẳng hạn nhân viên bị sếp trù, môi trường làm việc không như ý muốn mà không thể thay đổi chỗ làm, gây trầm cảm cho nhân viên, ngành y không thể ra công văn để yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc cho bệnh nhân.

Khi mắc bệnh trầm cảm, người ta thường có một cái nhìn bi quan, một sự bế tắc và bất lực. Một vị lãnh đạo bị trầm cảm thì mỗi cử chỉ của nhân viên đều có dụng ý xấu. Một học sinh trầm cảm thì mọi hành động của cô giáo đều nhằm vào hãm hại em.

“Họ thường không muốn cải thiện tình hình, không muốn đối diện giải quyết vấn đề của mình”- các bác sĩ nhận xét. Tựa như đứa trẻ có thể nói chuyện với bố mẹ, tâm sự, trao đổi với bạn bè, nhưng chúng không làm như vậy, bởi trong đầu chúng chỉ tồn tại ý nghĩ rằng mọi người đã bỏ rơi nó rồi, hoặc người lớn không tin trẻ em, hoặc chỉ muốn dồn trẻ em vào bế tắc. Sự thật không hẳn như vậy.

Bác sĩ Diệp cho biết việc thay đổi nhân sinh quan theo hướng tích cực rõ ràng cần sự quan tâm của cả gia đình và xã hội. Cần tạo cho con người một cái nhìn lạc quan, nâng đỡ những khát vọng. Bên cạnh đó, việc cải thiện sức khỏe, thể trạng, tâm sinh lý của bệnh nhân cũng là nền tảng không thể thiếu được trong chữa trầm cảm.

Chẳng hạn trường hợp một nữ học sinh khỏi bệnh đau đầu kinh niên, sau đó việc trị liệu tâm lý thu những hiệu quả rõ rệt.

Mặc cảm và sự thiếu hiểu biết về bệnh trầm cảm cũng khiến cho bệnh nhân tự ti và không tìm thấy lối thoát cho bản thân. Việc phổ cập kiến thức về bệnh trầm cảm sẽ giúp bệnh nhân không còn sợ hãi và bất lực nữa. Bản thân nỗ lực của gia đình và xã hội để kìm hãm và hạn chế bệnh trầm cảm cũng chính là hình ảnh trực quan sinh động, động viên các bệnh nhân bị trầm cảm tìm thấy niềm lạc quan.

Bác sĩ kể rằng một cậu bé đã thất vọng vì sự thiếu quan tâm của bố mẹ đến mức nó sử dụng thuốc lắc và hai lần tự tử. Đến khi bố mẹ kiên trì đưa nó đi khám chữa bệnh trầm cảm cho đến lúc khỏi bệnh, cậu bé mới hiểu bố mẹ luôn ở bên. Cuộc sống, cuối cùng đã không vô vị như cậu từng nghĩ, mọi người không bỏ rơi cậu và cậu chính là một phần quan trọng trong cuộc đời này. Kể từ ngày đó cậu đã chăm chỉ học tập và vạch ra con đường đi đến tương lai của chính mình.

4/2014
MỚI - NÓNG