Trầm cảm - Sát thủ vô hình

TP - Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe người quen nói về người nọ, người kia “bị trầm cảm nặng”. Thậm chí, một người bạn chơi nhạc mới hôm nào còn ngồi trước cây đàn, mới rồi đã tự tử.

Bệnh trầm cảm là gì và nó thực sự đáng sợ hay không? Câu trả lời là bệnh trầm cảm hiện đang trở thành một căn bệnh của thế giới hiện đại mà con người phải dũng cảm đối mặt. 

Bài I: Nguy cơ ở nhiều lứa tuổi

Hết năng lượng

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết: “Trầm cảm là rối loạn khí sắc và rối loạn cảm xúc”. Triệu chứng của trầm cảm biểu hiện rất nhiều mặt. Dễ thấy nhất là khi quan sát sẽ thấy người bị trầm cảm có khí sắc trầm, rầu rĩ. Thể trạng mệt mỏi, họ không muốn làm cái gì, hết năng lượng, “như máy hết pin” - bác sĩ Thắng nói.

Bi kịch của bệnh trầm cảm chính còn ở tâm hồn. Một tâm hồn như đang chết dần chết mòn từng ngày. “Họ không có sở thích gì nữa” - bác sĩ Thắng nói. - Chẳng hạn trước kia thích xem ti vi, ca nhạc, bóng đá cà phê, giờ không thích gì nữa”. Người bệnh mất ngủ thường xuyên, hoặc trái lại ngủ li bì suốt ngày. Một số chán ăn, còn một số khác lại ăn không biết no rồi tăng cân vùn vụt.

Mất sự tập trung trong công việc, học hành, vận động chậm chạp lờ đờ, người bị trầm cảm rơi vào trạng thái bi quan, cảm thấy mình là một gánh nặng cho gia đình. Khác với các bệnh nhân tâm thần khác, người bị trầm cảm vẫn ý thức được bản thân, nhưng chính điều đó khiến họ đánh giá mình rất thấp, tự cho mình vô dụng, đồ bỏ đi, không xứng đáng với xã hội với gia đình. Các bác sĩ cho biết “Bệnh nhân cảm thấy mình như người thừa”. Đồng thời họ chịu một số triệu chứng cơ thể như đau lưng, đau cơ, đau khớp… mà mãi không tìm ra được bệnh gì, khiến họ ngày càng chán nản.

“Ai cũng có nguy cơ mắc phải trầm cảm, còn phát ra hay không là do hoàn cảnh có tốt hay xấu”

Bác sĩ Quỳnh Diệp

Theo bác sĩ Thắng, ở Việt Nam, tỷ lệ thống kê bệnh nhân trầm cảm là 3% dân số, riêng TPHCM là 5% dân số. Trong khi đó, có thành phố trên thế giới bệnh nhân trầm cảm chiếm tới 36% dân số.

“Mỗi ngày có 600-700 người đến bệnh viện chúng tôi khám bệnh về tâm thần. Số bệnh nhân trầm cảm chiếm khoảng 20%” - Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM nói.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến tàn phế và đứng hàng thứ tư về gánh nặng bệnh lý trên toàn cầu hiện nay. Bệnh này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. WHO dự báo đến năm 2020, bệnh trầm cảm sẽ đứng thứ hai về gánh nặng bệnh lý của nhân loại sau các bệnh tim mạch.

Nguy cơ đe dọa suốt đường đời

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân bệnh trầm cảm đến từ cả hai phía khách quan và chủ quan, từ xã hội và yếu tố di truyền. “Nguyên nhân đầu tiên là áp lực. Con người chịu nhiều áp lực trong cuộc sống. Nghiên cứu cũng thấy có thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não đối với các bệnh nhân” - Bác sĩ Quỳnh Diệp, một chuyên gia về bệnh trầm cảm có 22 năm kinh nghiệm nói.

Các nhà nghiên cứu quốc tế cảnh báo vào khoảng 10-15% dân số có thể bị bệnh trầm cảm. Bệnh này không loại trừ ai, từ những người trong gia đình có người bệnh đến những gia đình không ai tiền sử tâm thần. “Người bình thường cũng có nguy cơ trầm cảm nếu buồn chán và áp lực kéo dài”- bác sĩ Diệp cho biết.

Trầm cảm - Sát thủ vô hình ảnh 1

Bên ngoài phòng khám của Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Làm việc tại phòng khám tâm thần nằm ở trung tâm thành phố, bác sĩ Diệp thông tin hằng ngày tiếp các bệnh nhân trải dài mọi độ tuổi. Mỗi độ tuổi chịu một áp lực riêng.

“Các cháu học phổ thông thì chịu áp lực giữa quan hệ bạn bè, quan hệ với thầy cô. Các cháu cho biết rất sợ thầy cô ức hiếp, quan hệ giữa bạn bè thì bị bạn trấn áp. Lớn hơn chút nữa, chịu áp lực thi cử. Lớn lên chút nữa thì tình cảm chi phối, yêu đương thất bại…”.

Nhiều người tưởng rằng ở lứa tuổi trưởng thành, người ta vững vàng hơn, song không phải ai cũng vậy. Nhiều bệnh nhân trung niên bị bệnh do áp lực công việc, quan hệ sếp với nhân viên không tốt, “áp lực bị đì”. Gia đình khúc mắc, li thân, li dị, sống chung nhưng căng thẳng…

Người lớn tuổi hơn thì bị tang tóc, bệnh tật, buồn bã do về hưu, do sức khỏe sa sút, chăm sóc của con cái với bố mẹ bị chểnh mảng… những áp lực tích lũy lẫn dồn dập là một trong những nguyên nhân chính đưa họ lún sâu vào bệnh trầm cảm. “Ai cũng có nguy cơ mắc phải trầm cảm, còn phát ra hay không là do hoàn cảnh có tốt hay xấu”- bác sĩ Diệp nói.

Trầm cảm - Sát thủ vô hình ảnh 2 Bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết đa số bệnh nhân bị trầm cảm không biết mình mắc bệnh. Ảnh: T.N.A

Không khám, không biết

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn, tác giả đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng các yếu tố liên quan và nhận xét hiệu quả của hóa liệu pháp trong điều trị rối loạn trầm cảm ở người trên 25 tuổi (luận án chuyên khoa cấp II, Chuyên ngành tâm thần) cho biết bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến nhưng phần lớn bệnh nhân không biết mình bị bệnh.

“Chủ yếu người ta đi khám là do mất ngủ mà họ không biết mình đang bị trầm cảm”. Tình trạng này được lý giải do người dân biết rất ít thông tin về bệnh trầm cảm.

Thuật ngữ “sầu uất” (Mélanchoilie) được Hippocrate (460-377 trước Công Nguyên) dùng mô tả một số biểu hiện rối loạn khí sắc. Nghiên cứu về bệnh trầm cảm phát triển nhanh suốt từ thế kỷ 18 đến ngày nay. Tuy vậy, việc nghiên cứu và phổ cập thông tin phòng chống bệnh trầm cảm lại còn nhiều hạn chế ở Việt Nam. “Công trình của tôi là một trong số không nhiều các công trình nghiên cứu bệnh trầm cảm tại TPHCM”- bác sĩ Hoàn nói.

Công trình của bác sĩ Hoàn nghiên cứu 80 bệnh nhân trung niên và người già trầm cảm đang được điều trị ngoại trú tại TPHCM.

Bác sĩ Hoàn cho biết hầu hết bệnh nhân Việt Nam không biết đến bệnh trầm cảm, nên tỷ lệ phát hiện bệnh nhân trầm cảm khi họ đến khám do mất ngủ chiếm 95%. Bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài và chỉ đi khám với mục đích chữa bệnh mất ngủ. Thực tế các bệnh nhân đã bị trầm cảm ở mức độ đáng lo ngại: “100% bệnh nhân vẫn nhận định được chi tiết nhân thân của mình nhưng 6,3% không biết rõ thời gian hiện tại” - bác sĩ Hoàn cho biết.

Theo nghiên cứu này, tỷ lệ trầm cảm ở nhóm kinh tế kém chiếm đa số, tỷ lệ là 76,9% số bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân là nông dân chiếm 11,3%, buôn bán 12,5 % nhưng ngạc nhiên nhất lại chính là nhóm đang đi làm việc, chiếm hơn 30%. “Bệnh nhân tập trung nhiều ở các thành phố lớn, điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu ở nhiều nước”.

Con cái không thành đạt gây ảnh hưởng 33,3 % bệnh nhân nam trong đó chỉ ảnh hưởng tới 5,4% ở nữ giới. Mâu thuẫn gia đình cũng là một tác nhân. Điều bất ngờ là mâu thuẫn gia đình lại tích tụ nhiều ở bệnh nhân nam khi nó ảnh hưởng tới 33,3 % bệnh nhân nam và chỉ chiếm 14,9% số bệnh nhân nữ. (Tuy vậy, nhìn chung tỷ lệ trầm cảm ở nữ vẫn lớn hơn. Theo một số liệu của Nguyễn Văn Dũng, tỷ lệ trầm cảm nữ là 51,1%, ở nam là 48,9%).

Bác sĩ Diệp cũng cho biết “Những người đàn ông ít khi tới khám vì trầm cảm, có thể họ ngại đối diện với bệnh tật, cũng có thể họ không nghĩ mình bị trầm cảm. Họ thường tới khám nhức đầu chóng mặt, sức khỏe suy sụp, hoặc khám vì đau dạ dày chữa mãi không khỏi nên các bác sĩ đa khoa giới thiệu tới phòng khám tâm thần”.

Qua thăm khám, bệnh nhân thổ lộ họ đang buồn rã rời. Giờ không còn thú vui gì nữa. Không thích bù khú với bạn bè, không đi shopping, thậm chí cũng không thấy có nhu cầu gắn bó với người thân trong gia đình như con cái, bố mẹ. Những người trầm cảm thấy như đang đi trong đường hầm bế tắc hoàn toàn.

Bệnh trầm cảm đồng thời cũng như một “sát thủ vô hình”. Nghiên cứu của bác sĩ Hoàn cho thấy phần lớn các bệnh nhân trầm cảm từng đi khám đủ các loại bệnh viện đa khoa, thậm chí uống nhiều thứ thuốc mà bệnh không giảm mà còn nặng hơn. Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ, hồi hộp, tức ngực, đầy bụng, táo bón, sụt cân đều có thể là các triệu chứng dẫn đến trầm cảm.

Do thiếu thông tin và có thể thiếu cả các cơ sở khám chữa bệnh trầm cảm chuyên sâu nên không ít các bệnh nhân sau khi đã đi khám khắp các bệnh viện đa khoa, khi được phát hiện trầm cảm thì đã “Kiệt sức, không có sinh lực. Chỉ muốn nằm một chỗ”.

Nghiên cứu của bác sĩ Hoàn cho thấy số bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ chiếm 97,5%, mệt mỏi chiếm 90% và 83,3% đã bị rối loạn thần kinh thực vật.

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.