Trầm cảm - Sát thủ vô hình - Bài 3:

Mắc bệnh trầm cảm từ ấu thơ

Một bệnh nhân nhí đang nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn
Một bệnh nhân nhí đang nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn
TP - Cháu bé 6 tuổi bị người hàng xóm lạm dụng tình dục và bị ám ảnh với câu nói dọa rằng cháu “sẽ bị câm điếc nếu kể cho ai đó biết câu chuyện này”. Công an bắt kẻ yêu râu xanh nhưng cháu bé bị trầm cảm nặng.

Nhiều người chủ quan rằng trầm cảm thường xảy ra ở người lớn, những người trí thức, kiểu “biết nhiều khổ lắm”, thực tế trẻ em cũng có thể là nạn nhân của bệnh trầm cảm từ ấu thơ.

Điểm và roi

Khoa Tâm lý tâm thần Trẻ em của Bệnh viện Tâm thần TPHCM là chuyên khoa tâm thần trẻ em duy nhất của nước ta đến thời điểm hiện nay. 10 bác sĩ đang làm việc tại đây. Có thể khó tin, nhưng mỗi ngày khoa này khám khoảng 160-200 bệnh nhân dưới 17 tuổi về bệnh tâm thần, trong đó có trẻ em trầm cảm.

Các bác sĩ cho biết trẻ dưới 10 tuổi đã có thể nói những câu như: “chết sướng hơn”, “con chán sống rồi”, khiến phụ huynh lo lắng nên đưa con đi khám. Khám trường hợp cháu bé chưa đến mười tuổi, cháu cho biết bố mẹ đi làm xa, giao cháu cho ông bà. Ông bà không theo sát được, cháu rất buồn. Một số cháu khác thì “bố mẹ quan tâm quá cứng, suốt ngày mắng chửi, áp đặt đủ điều khiến các cháu ngột ngạt”.

Cháu vừa đi học mẫu giáo đã bị trầm cảm, do môi trường thay đổi, thiếu bố mẹ, cô giáo lại dùng nhiều biện pháp trấn áp như dọa nạt, bắt ăn, ép ngủ, xử phạt. Cháu thường giật mình, khóc nhiều không lý do, không quan tâm đến bố mẹ nữa, đêm không ngủ được, ăn thì ói mửa, sáng sớm bố mẹ đưa đến lớp cháu òa lên khóc mãi không thôi.

Lời khuyên của các bác sĩ là thời gian đầu bố mẹ nên ở bên các cháu tại nhà trẻ, các giáo viên mầm non không được áp dụng các hình phạt đối với trẻ em, dù đó chỉ là lời hăm dọa. Sau thời gian chữa bệnh, cháu được chuyển học trường khác và bệnh thuyên giảm.

“Bố mẹ ly dị, gia đình không quan tâm, thậm chí bố mẹ trầm cảm cũng làm tổn thương cho con cái của họ. Các cháu thường bị rối loạn giấc ngủ. Ngủ chập chờn. Một số cháu thường buồn ngủ suốt ngày, ngủ cho quên đi cuộc sống gia đình mâu thuẫn, ngủ để khỏi đối diện với khó khăn”.

Bác sĩ Diệp

Một cháu bé 6 tuổi bị người hàng xóm lạm dụng tình dục và bị ám ảnh với câu nói dọa rằng cháu “sẽ bị câm điếc nếu kể cho ai đó biết câu chuyện này”. Công an bắt kẻ yêu râu xanh nhưng cháu bé bị trầm cảm nặng.

Bác sĩ kể: “Học sinh cấp hai, bố dọa cứ điểm 8 thì đánh 2 roi, 9 điểm đánh một roi, cũng dễ khiến cháu bị trầm cảm”.

Phản ảnh với bố, ông bố phản ứng: “Thế hệ chúng tôi ăn khoai sao học tốt, bây giờ học dở là sao?”. Cô bé bị bệnh đau đầu, đi tìm thầy khắp thành phố chữa không hết, đến khi chữa đúng bệnh trầm cảm thì khỏi, đến khi ấy ông bố mới ân hận những việc tưởng như vặt vãnh của mình.

Mẹ phát hiện trong nhật ký con mình ý tưởng tử tự và bà không thể tin những điều mình nhìn thấy là sự thật. Ngẫm lại thấy con học sa sút, buồn, ít nói, dễ cáu giận. Hỏi thì cáu. Xé tập vô cớ. Nó thú nhận với bác sĩ “Mệt, áp lực, học quá căng thẳng, thời gian nghỉ không có”.

Bản thân em cũng đặt nhiều kỳ vọng cho bản thân, gắng học để đi du học. Bố mẹ ngày ngày chẳng kể vào tai con: “Hôm nay con của bạn bố đi du học rồi”. Nó thì không muốn bị so sánh. Nó ngủ không được. Chán ăn. Điểm thấp dần. Không nghe giảng được. Ngồi cả tiếng học không thuộc bài. “Con sống cũng bằng thừa. Chọn giải pháp chết để được giải thoát”. Trước đó, người mẹ chỉ có mắng, sau khi đọc nhật ký bà phát hoảng đem con đi khám.

Câu chuyện cô bé thật có hậu. Cô tốt nghiệp điểm khá cao, đỗ đại học. Lời khuyên dành cho bà mẹ: “Hãy để nó nói nhiều hơn. Nó nói sai, trục trặc cũng để nói. Hãy giải thích cặn kẽ, thuyết phục. Đừng so sánh con mình với con người khác và đừng dồn con vào chỉ một con đường là du học”.

“Đừng nói cho bố mẹ cháu biết”

Theo các bác sĩ, bệnh trầm cảm trẻ em tương đối khó nhận biết so với người lớn. Một số biểu hiện của trẻ cần chú ý như bỗng dưng dễ buồn, dễ khóc, dễ cáu gắt, ít giao tiếp với người thân và bạn bè. Hay đau bụng, nhức đầu mà không rõ nguyên nhân. Giảm khả năng học tập, không làm chủ được cảm xúc. Một số có biểu hiện sợ đi học.

Tình trạng trầm cảm kéo dài khiến các em bi quan. Một em đã bị ức chế kéo dài qua cấp 2, rồi đến cấp 3, tình hình không hề được cải thiện. Cháu học hành sa sút, sợ bố mẹ buồn. Mãi đến khi thấy cháu hồi hộp, đau ngực, không rõ nguyên nhân. Họ đem đi khám khắp nơi không ra bệnh, vào khoa tâm thần mới biết cháu bị trầm cảm rất nặng rồi. Cháu cho biết: “Con thấy mình vô dụng, đã định tự sát rồi. Bố mẹ vẫn không hề biết gì đâu”.

Có cháu ăn vào muốn ói, đi khám nội soi không ra bệnh. Đến khám tâm thần mới biết bị trầm cảm. Cháu này hay khóc, dễ buồn, không muốn tiếp xúc với ai. Một trường hợp học lớp 11, lo trượt đại học nên mắc bệnh trầm cảm, suốt ngày muốn đi cầu mà không đi được, khám đa khoa không rõ nguyên nhân. Cháu bảo với bác sĩ: “Bố thường nói: không lo học hành, thi trượt đại học thì chết với bố”. Sau khi chữa khỏi trầm cảm, cháu đi cầu tốt và đậu đại học.

Bác sĩ kể một trường hợp cháu học lớp 8 nhưng phải nghỉ học, vì ám ảnh đến lớp không trả được bài. “Sớm mai bố mẹ chở đi học thì cháu run rẩy toàn thân, co giật. Phải điều trị ròng rã một năm, cháu mới đi học tiếp được”.

Nỗi ám ảnh bị la mắng ở trường khiến nhiều cháu đổ bệnh. Thậm chí cháu mới học lớp lá đã bị chấn thương tâm lý do thấy cô giáo đánh các bạn cùng lớp, các bác sĩ phải kiên trì mới chữa khỏi. Hình ảnh cô giáo đánh bạn cùng lớp diễn ra trước mắt trẻ em, in hằn trong tâm thức ngây thơ. Phải rất lâu sau mới có thể thoát khỏi ký ức đen tối ấy.

Một cô bé học cấp 3, bị bạn bè xấu ép phải đưa tiền hàng ngày, sợ quá, không dám kể với ai, dần dần cũng bị bệnh trầm cảm.

Một cháu khác bị cô giáo bắt đứng lớp, về nhà cháu kể với bố mẹ, bố mẹ lại đi báo hiệu trưởng làm cô giáo chủ nhiệm bị phê bình. Từ đó cháu có mặc cảm cô chủ nhiệm ghét, dần dần bị trầm cảm. Cháu bị rối loạn cảm xúc, không kiểm soát được xúc cảm, nhiều khi tự dưng khóc òa. Sau khi khám, điều trị, biết nguyên nhân, uống thuốc và chuyển trường khác học thì bệnh giảm nhiều.

Tôi nhìn thấy nhiều cháu bé còn non dại, chừng mười tuổi đã được bố mẹ đưa đi khám trầm cảm. Khuôn mặt các cháu thẫn thờ, như mộng du, không còn quan tâm gì đến cuộc sống xung quanh. Các ông bố bà mẹ cũng rơi vào tình trạng bi quan không kém, họ không hiểu điều gì khiến con họ thay đổi nhanh chóng như vậy.

Trong những phòng khám tâm lý, chúng ta có thể thấy những em bé lẽ ra giờ này phải vui chơi cùng chúng bạn, học hành trong các mái trường ấm cúng, lại đang ngồi trước các chuyên viên tâm lý để xóa bỏ đi những tổn thương tâm lý mà chúng phải chịu đựng khi đến trường và sống trong gia đình.

Bác sĩ Diệp nói: “Bố mẹ ly dị, gia đình không quan tâm, thậm chí bố mẹ trầm cảm cũng làm tổn thương cho con cái của họ. Các cháu thường bị rối loạn giấc ngủ. Ngủ chập chờn. Một số cháu thường buồn ngủ suốt ngày, ngủ cho quên đi cuộc sống gia đình mâu thuẫn, ngủ để khỏi đối diện với khó khăn, ngủ hàng chục tiếng liên tục không thấy đủ. Rồi chán ăn, chậm chạp trong hành vi và suy nghĩ, thua chúng bạn trong học hành và càng ngày càng bi quan hơn”.

Không ít cháu học cấp hai, cấp ba, trốn bố mẹ đi khám một mình. Các cháu đọc thông tin trên mạng và đoán mình bị trầm cảm. Bác sĩ hỏi: “Cháu lấy tiền đâu khám?”. Bệnh nhân đáp: “Tiền bố mẹ cho tiêu, cháu để dành để đi khám”. Cháu tâm sự là “sợ bố mẹ biết cháu bị trầm cảm, lại la mắng cháu”. Cháu đi khám “vì cháu rất sợ tự tử”.

Cháu còn dặn “Bác sĩ khoan hẵng nói với bố mẹ cháu chuyện cháu bị bệnh nha!”.

Những tấm lòng son, những câu chuyện hàng ngày khiến các bác sĩ không thể cầm lòng. Bác sĩ Giang, Trưởng khoa, nói: “Thầy cô giáo phải thương yêu học trò, tránh tạo những dư chấn và những hình ảnh, lời nói, hành động gây tổn thương trẻ em. Các bậc bố mẹ đừng tạo áp lực cho con trong tuổi còn non nớt, ngây thơ”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.