Lỗi... dân?!

Lỗi... dân?!
TP - Những ngày hè nắng nóng càng trở nên ngột ngạt hơn khi liên tiếp các hộ sử dụng điện ở Hà Nội phản ánh hóa đơn tiền điện tăng vọt bất thường. Có điểm khá chung ở các hóa đơn được ngành điện “phát” cho người dân cho thấy lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng khá mạnh, không ít hộ gia đình có mức tiêu thụ điện tăng gấp 3 lần, số hộ gia đình có hóa đơn điện tăng 30% nhiều không đếm xuể. Nhiều hộ gia đình thật sự ngã ngửa khi nhận hóa đơn tiền điện dịp cuối tháng. 

Không ít người khẳng định lượng điện sử dụng trong tháng qua không thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần như những con số “vô tình” trong hóa đơn của “nhà đèn” gửi. Người dân sẵn sàng chứng minh việc không “điên” đến mức tự hoang phí túi tiền của mình trong việc sử dụng điện.

Câu trả lời chung cho những thắc mắc của người dân xung quanh việc hóa đơn tiền điện tăng cao, được Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đưa ra, tựu chung vẫn quanh lý do được cơ quan này nhiều lần sử dụng để giải thích hoá đơn điện tăng: Nắng nóng và do người dân dùng nhiều điện.

Những người dễ tính bày tỏ sự đồng tình với giải thích của EVN Hà Nội bằng lời chấp nhận: Họ cầm đằng chuôi, ghi số điện lúc nào mình đâu có biết; đồng hồ điện quay ra sao mình đâu được kiểm tra. Tính giá điện thì có khung rồi. Thôi đành cắn răng về nhà tự tắt điều hòa, tiết giảm sử dụng điện trong những ngày nắng, dùng điện một cách thông minh hơn để tránh vạ bị rỗng túi vì điện dùng nhiều bất thường trong tháng sau.

Người khó tính hơn đặt câu hỏi thẳng thừng: Nắng nóng, nhà có dùng điều hòa nhiều hơn nhưng mùa đông cũng có những ngày siêu lạnh, điều hòa phải ầm ầm chạy tăng cường 24/24 nhưng tiền điện đâu có chênh lệch quá mức? Phải chăng lỗi do giá điện bậc thang?

Số điện đã được ghi, hóa đơn đã xuất, người dân chỉ còn cách móc túi để trả cho số điện đã được ấn định sẵn trên tờ hóa đơn để tránh bị cắt điện vì không chịu đóng tiền. Ấm ức của người dân về hóa đơn điện dần sẽ lắng nhưng câu hỏi về việc nhân viên ngành điện ghi chỉ số công tơ chính xác đến đâu khi trời nắng nóng và thiếu giám sát của các hộ gia đình vẫn luôn là câu hỏi ngỏ. Thực tế cho thấy không phải lúc nào ngành điện cũng đúng trong việc tính tiền của người dân. Hồi tháng 7 năm 2014, 2 công nhân ghi chỉ số công tơ tại thôn Thống Nhất, xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ghi không chính xác lượng điện tiêu thụ của 221 hộ khách hàng trong bối cảnh tháng cao điểm nắng nóng nhưng lượng điện tiêu thụ của các hộ dân lại bất ngờ giảm mạnh. Hai công nhân này sau đó đã bị kỷ luật.

Người dân cũng chờ đợi đến bao giờ EVN Hà Nội áp dụng các công nghệ cao trong việc đo ghi chỉ số công tơ từ xa (như TPHCM đã áp dụng) để tăng chính xác trong việc đo đếm điện năng tiêu thụ, giảm số lượng nhân viên ghi chỉ số, nâng cao năng suất lao động để tối đa hóa chi phí cho ngành điện, giúp giảm gánh nặng tăng giá điện mỗi năm cho người dân. Với những thông tin giải thích được đưa ra, rõ ràng người dân chỉ còn cách nhận lỗi về mình trong việc đã sử dụng nhiều điện hơn mà không có cơ hội được chứng minh, kiểm chứng lỗi tại anh hay tại ả. 

MỚI - NÓNG