Lo tăng giá

TP - ‘Tháng trước giá điện vừa tăng 7,5%, đầu tuần này xăng lại tăng giá mạnh thêm ngót 2000 đồng/lít tương đương 11%. Và đầu giờ sáng qua đến lượt tỷ giá tăng hết “room” thêm 1% nữa. Như vậy mới bước qua quý I/2015 tỷ giá USD/VND đã tăng tổng cộng 2%, tức đã hết dư địa tăng nếu lời hứa đầu năm của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều chuyên gia mà PV Tiền Phong trao đổi đều nhận định, “cú” phá giá 1% này là hành động cần phải có phù hợp với diễn biến thị trường, tránh tâm lý đầu cơ trục lợi dựa vào tỷ giá, đồng thời hỗ trợ được cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thậm chí chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng, “bắt đầu từ sang năm NHNN chỉ nên đưa ra định hướng chứ không nên đóng cứng” và nhận định mức phá giá VND/USD hết năm sẽ là 3% chứ không thể là 2% như cam kết.

Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đang nhập siêu ở mức ngót 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm với tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tương ứng là 53,1 tỷ USD. Như vậy, việc tăng tỷ giá chắc chắn sẽ làm các doanh nghiệp nhập khẩu tăng chi phí và giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng. Trong số này phải kể đến nhiều mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, ví dụ như máy móc, nguyên vật liệu sản xuất, xăng dầu, phân bón, sữa… sẽ chịu áp lực tăng giá đối với đa số người dân.

 Theo ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Vinacam : DN của ông nhập khẩu trung bình 350 nghìn tấn phân bón mỗi năm, khi tăng 300-500 đồng/USD, giá thành phân bón nhập khẩu cũng tăng lên. 1 tấn DAP giá khoảng 500 USD/tấn, nếu tính tỷ giá như hiện nay, giá sẽ tăng lên khoảng 150 nghìn đồng/tấn. “Cái này thì người tiêu dùng phải chịu thôi.”- ông Hải nói. Người tiêu dùng trong trường hợp này chính là những người nông dân.

Đáng lo hơn, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, dồn dập hết điện lại tới xăng, rồi nay là tỷ giá đều tăng ở mức đáng kể. Những yếu tố trên đều tác động không nhỏ tới mọi thành phần kinh tế, mọi người dân. Điều này sẽ làm xuất hiện mối lo tăng giá, vòng xoáy lạm phát có thể sẽ quay trở lại. Vấn đề còn lại chính là sự điều hành, kiểm soát giá cả chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan chức năng và bộ ngành liên quan, tránh tâm lý “té nước theo mưa” lợi dụng để hò nhau tăng giá bất hợp lý. 

Còn nhớ vụ tăng giá cước vận tải nhằm trục lợi từ việc tăng giá xăng dầu dịp cuối năm ngoái, trước bức xúc của người dân và phản ánh của công luận, trước chỉ thị của Thủ tướng, cả 3 bộ Tài Chính, Công Thương và GTVT đã phải cùng vào cuộc với hàng loạt đoàn thanh tra  nhằm buộc các DN phải hạ giá cước vận tải xuống mức hợp lý. Bài học về vấn đề này vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

MỚI - NÓNG