Từ 19h đến 0h các tối cuối tuần, hàng nghìn lượt khách đổ về tuyến phố đi bộ, ẩm thực Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để thưởng thức những món đặc sản truyền thống, hiện đại. Những món quà vặt xưa như bỏng gạo, ngô xào, kẹo kéo, kẹo mạch nha... tưởng chừng đã thành của hiếm lại xuất hiện ở các hàng bán rong tại khu phố này.
Món quà quê làm từ mầm thóc và tinh bột gạo lên men từng có thời chỉ “mua” (đổi) được bằng đồng nát, nồi niêu, dép cũ nay được bán giữa khu phố cổ thủ đô với giá 10.000 đồng/cái. Tùy khẩu vị, khách có thể chọn kẹo ngọt hoặc nhạt, kẹo kéo không để mút hoặc kẹp bánh quế nhân lạc, dừa tươi ăn kết hợp.
Luôn tay kéo kẹo cho khách, cô Hồng, một chủ quán, cho biết, vốn kinh doanh mặt hàng này không đáng là bao nhưng công sức làm ra thì khó có thể đong đếm được. Để làm được một mẻ kẹo kéo, cô phải ngâm ủ mầm thóc khoảng 5 ngày, rồi ủ lên men với xôi nếp phơi khô và nhiều công đoạn khác mất 1 ngày nữa là 6.
“Làm không cẩn thận là hỏng cả mẻ kẹo, tiếc tiền thì ít mà tiếc công thì nhiều”, cô cho biết. Kẹo kéo ăn có vị ngọt thanh, kết hợp với vị bùi của dừa, thơm giòn của bánh quế khiến khách Tây, Việt đều yêu thích sẵn sàng rút ví chi tiền.
Du khách Đặng Hồng Anh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) chia sẻ, dù đây là đặc sản quê hương chị nhưng được cùng bạn ăn trên đất thủ đô, giữa đêm mùa đông Hà Nội lạnh giá là cảm giác đặc biệt hấp dẫn.
Anh Duy Hiếu (Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội) lại mua kẹo kéo chỉ để “ôn nghèo kể khổ”: “Ngày xưa làm gì có tiền mua quà vặt. Thèm ăn kẹo kéo, tôi với lũ trẻ trong xóm chỉ biết cách đi nhặt đồng nát trong nhà, chờ có tiếng còi hoặc tiếng rao xe kẹo kéo đi qua là chạy ra đổi đồ lấy kẹo. Có khi dép tổ ong đi chưa hỏng đã lấy kéo cắt cho hỏng rồi đem đổi lấy kẹo ăn”, anh Hiếu kể lại.
Đi hết phố ẩm thực mất khoảng 5 phút, tín đồ ăn vặt đếm được 2 - 3 hàng kẹo kéo ngồi khiêm tốn ở một góc vỉa hè nhưng luôn có khách vây quanh. Cô Hồng cho biết, một nồi nhôm đựng mạch nha của cô có thể kéo được 150 - 200 cây.
Nhờ bán món quà vặt gợi nhớ về tuổi thơ, các chủ hàng kẹo kéo luôn đắt khách mỗi đêm. Ảnh: Diệp Sa
Ngồi từ 19h đến khoảng 22 - 23h, nếu đông khách là cô hết hàng. Hôm nào vắng khách, cô Hồng có thể để tối hôm sau bán tiếp. “Làm kẹo kéo đúng kỹ thuật có thể giữ được khá lâu chứ không phải chỉ vài ngày. Nhưng riêng lạc rang, dừa tươi thì lúc nào cũng phải mới mới ngon”, cô Hồng chia sẻ.
Vừa làm kẹo bán kiếm thêm thu nhập nhưng chủ gánh quà xưa trên con phố này cũng thật thà tâm sự, tiền lãi thu về không khiến cô vui bằng việc bán ra được món quà truyền thống khiến cả khách Tây, Việt, người lớn và trẻ em bây giờ đều yêu thích.
Bán kẹo kéo cũng là công việc được các chủ hàng rất yêu thích vì mang tới niềm vui, món ngon cho mọi người. Ảnh: Diệp Sa.
Mạch nha (kẹo mạch nha, đường mạch nha) là tên một loại đường kẹo làm từ ngũ cốc (lúa mạch, đại mạch, lúa mì, lúa, nếp...) bằng phương pháp lên men tinh bột. Đường mạch nha có màu vàng hổ phách, dẻo mà không dai, vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi thơm.