Hà Nội 'nín thở' chờ lệnh gom người nghiện

Người nghiện ma túy lang thang tại Hà Nội
Người nghiện ma túy lang thang tại Hà Nội
Trong khi TP.HCM đồng loạt ra quân truy quét người nghiện lang thang vào trung tâm cai nghiện thì Hà Nội cơ quan chức năng vẫn đang chờ...chỉ đạo, dù nhân lực, vật lực đã sẵn sàng.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hà Nội cho biết, do vướng quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 1/2014 và Nghị định 221 có hiệu lực từ tháng 2/2014), trong suốt năm 2014, các trung tâm cai nghiện tại Hà Nội chưa tiếp nhận bất cứ trường hợp nào là đối tượng nghiện ma túy vô gia cư bắt buộc đi cai nghiện.

Theo ông Hùng, trước đây, khi phát hiện đối tượng nghiện, chỉ cần thử (test) nếu dương tính với ma túy thì đưa ngay vào trung tâm cai nghiện. Nhưng theo Nghị định 221, phải có xác nhận của ngành Y tế, xác nhận này do y bác sỹ đã có chứng chỉ tập huấn về cai nghiện thẩm định thì mới lập được hồ sơ, chuyển qua tòa án ra quyết định rồi mới đưa vào trại cai nghiện.

“Thực hiện theo Nghị định 221, đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể tổ chức xã hội là tổ chức nào? Trong khi đó, nghị định lại yêu cầu cơ sở quản lý phải có bác sỹ, bảo vệ, phòng cách ly... nên không có tổ chức xã hội nào đáp ứng được yêu cầu này.

Do đó, trong năm 2014, các trung tâm cũng đã tiếp nhận cai nghiện bắt buộc 250 trường hợp người nghiện vô gia cư có quyết định của Tòa án từ trước ngày 31/12/2013”, ông Hùng cho biết.

Trước đó, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; Đặc biệt phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan, xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ và các cơ quan chức năng chưa có chỉ đạo cụ thể về vấn đề trên, nên Hà Nội vẫn chờ hướng dẫn”, ông Hùng nói.

Có thể tiếp nhận hơn 2.050 người nghiện

Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 16.000 người nghiện, trong đó có khoảng 6.000 người đang điều trị trong các trung tâm, 3.000 người nghiện ở các trường, trại; 1.500 người nghiện điều trị Methadone; 1.600 người nghiện được quản lý sau cai tại nơi cư trú; 1.500 người nghiện lang thang nội tỉnh; số còn lại là người nghiện ngoại tỉnh lang thang tại Hà Nội, rất khó kiểm soát.

“Ngay sau khi Quốc hội thông qua vấn đề quản lý người nghiện lang thang, vô gia cư, TP. Hà Nội đã họp và thống nhất chủ trương sẽ mở đợt truy quét tệ nạn xã hội, đặc biệt với đối tượng nghiện ma túy vô gia cư. Ngay khi Chính phủ có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ triển khai ngay đợt truy quét này”, ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Hùng, hiện Hà Nội có 10 trung tâm cai nghiện và sau cai nghiện với khả năng tiếp nhận 8.050 người. Trên thực tế, các trung tâm này đang tiếp nhận gần 6.000 người.

Theo kế hoạch đã xây dựng của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, đề nghị chuyển đổi 4/10 trung tâm sẽ chuyên trách tiếp nhận, chẩn đoán, cắt cơn và tư vấn tâm lý, quản lý người nghiện vô gia cư trong quá trình chờ quyết định của tòa án các quận, huyện quyết định chuyển giao vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc.

“Đến thời điểm này, Hà Nội đã sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật lực, trực 24/24h để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các đối tượng nghiện ma túy vô gia cư khi thành phố chính thức triển khai việc này”, ông Hùng nói.

Tính đến ngày 30/11, 10 trung tâm cai nghiện và sau cai nghiện tại Hà Nội đang điều trị cho 5.832 người nghiện ma túy; cai nghiện bắt buộc 3.181 người nghiện, trong đó 2.097 người Hà Nội, 1.084 người vô gia cư; cai nghiện tự nguyện 120 trường hợp; điều trị sau cai nghiện 2.531 người, trong đó có 1.191 người Hà Nội và 540 người ngoại tỉnh.

(Số liệu từ Sở LĐ, TB&XH Hà Nội)

Theo Vũ Anh

Theo Báo Giao thông vận tải
MỚI - NÓNG