Đường sắt đô thị Hà Nội đội vốn 'khủng' - câu hỏi trách nhiệm

Phối cảnh Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Ha Nội
Phối cảnh Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Ha Nội
Tổng mức đầu tư Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã tăng gấp 1,5 lần khi được Chính phủ đồng ý bổ sung 393 triệu Euro. Trách nhiệm về việc dự án đội vốn chưa được làm rõ. Tuyến đường cũng gánh quan ngại về tiến độ hoàn thành vào năm 2018.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP là chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 4/2009 với tổng mức đầu từ (TMĐT) là 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ là 130 triệu Euro. Thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Theo phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ có năng lực chuyên chở 230.000 hành khách/ngày. Số lượng khách này sẽ tăng lên 428.000 vào năm 2020 và sau khi kéo dài tuyến, công suất sẽ đạt mức 750.000 khách vào năm 2030.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý bổ sung 393 triệu Euro cho tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,99 triệu Euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88,01 triệu Euro. Về cơ chế tài chính trong nước, Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội vay lại 100% vốn ODA bổ sung; ngân sách Nhà nước tự thu xếp vốn đối ứng bổ sung cho Dự án.

Được biết, vào tháng 9/2014, UBND Tp. Hà Nội đã có văn bản đề xuất điều chỉnh danh mục tài trợ Dự án. Theo đề xuất của Hà Nội, tổng mức đầu tư Dự án tăng từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro, trong đó vốn ODA tăng từ 653 triệu Euro lên 957,99 triệu Euro, vốn đối ứng tăng từ 130 triệu Euro lên 218 triệu Euro.

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư được UBND TP Hà Nội lý giải có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do dự án chậm trễ tiến độ triển khai dẫn tới biến động giá nguyên vật liệu, khối lượng công việc thay đổi so với thiết kế cơ sở. Yếu tố khách quan được nhắc tới liên quan đến năng lực quản lý, điều hành dự án của chủ đầu tư, năng lực của tư vấn nước ngoài.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Chính phủ về việc điều chỉnh danh mục tài trợ dự án nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dù nêu ra nguyên nhân nhưng UBND TP Hà Nội không làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm đối với các nguyên nhân chủ quan làm tăng tổng mức đầu tư lên gấp 1,5 lần so với ban đầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá tính hợp lý của việc tăng tổng mức đầu tư như đề xuất của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, các nhà tài trợ đã cam kết bổ sung vốn vay ODA cho dự án (đặc biệt là nhà tài trợ Pháp), vì vậy Hà Nội chịu trách nhiệm bố trí và trả nợ đối với phần vốn bổ sung cho dự án.

Ngoài ra, hồ sơ điều chỉnh Dự án trọng điểm này cũng chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thay đổi quy mô, thay đổi thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Mặt khác, theo hồ sơ, tổng mức đầu tư do tư vấn Systra (Pháp) lập năm 2011, tỷ lệ trượt giá/lạm phát được áp dụng khoảng 15,7% đối với chi phí xây dựng dùng đồng nội tệ. Dự toán này là không hợp lý bởi tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh năm 2013, mức lạm phạt thực tế tại Việt Nam chỉ ở khoảng 6%/năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thẩm định lại tổng mức đầu tư dự án đảm bảo hiệu quả, khả thi, phù hợp với khả năng bố trí và trả nợ của thành phố.

Trên thực tế, việc tăng chi phí xây dựng công trình đường sắt đô thị thí điểm này đã thể hiện từ tháng 6/2013 khi UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư mới đúng bằng con số báo cáo với Thủ tướng. Như vậy, với tổng mức đầu tư mới, suất đầu tư bình quân cho mỗi km của Dự án vào khoảng 94 triệu Euro (khoảng 2.440 tỷ đồng).

Đánh giá của các Bộ, ngành liên quan cho thấy, tiến độ xây dựng dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang có nhiều bất cập. Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, thời hạn mới hoàn thành của Dự án là quý IV/2018. Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà tài trợ Pháp bày tỏ quan ngại về việc giải phóng mặt bằng chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ chung của Dự án.

Với tình hình nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch triển khai từng gói thầu trong thời gian tới, bao gồm kế hoạch giải phóng mặt bằng, trong đó nêu rõ các biện pháp cần thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra, tránh gây các chậm trễ mới cho dự án.

Theo Châu Như Quỳnh

Theo Báo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.