Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau hơn 400 ngày không tiếp quan chức nước ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến vào dịp lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh ngày 4/2. Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ truyền đi thông điệp rằng, nếu phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt liên quan khủng hoảng ở Ukraine, Nga sẽ không đơn độc…

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới tới dự Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh vào ngày 4/2, đây sẽ là lần đầu tiên ông gặp mặt trực tiếp các đồng cấp nước ngoài sau hơn 400 ngày, CNN đưa tin ngày 2/2. Và đứng đầu danh sách khách mời của ông là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thời điểm quan trọng với hai nước

Ông Putin cáo buộc Mỹ cố lôi Nga vào cuộc chiến ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cáo buộc Mỹ đang cố gắng lôi kéo đất nước ông vào một cuộc chiến ở Ukraine, BBC đưa tin ngày 2/2. Ông nói rằng mục tiêu của Mỹ là sử dụng cuộc đối đầu như một cái cớ để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ông cho biết, Mỹ đang phớt lờ những lo ngại của Nga về lực lượng liên minh NATO ở châu Âu.

Những tuần gần đây, Nga đã điều khoảng 100.000 quân tới biên giới Ukraine. Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng họ đang lên kế hoạch tấn công. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Mátxcơva, ông Putin nói: “Dường như Mỹ không quan tâm nhiều đến an ninh của Ukraine... mà nhiệm vụ chính của họ là kiềm chế sự phát triển của Nga. Bản thân Ukraine chỉ là một công cụ để đạt được mục tiêu này”.

Ông Tập và ông Putin được dự đoán gặp thượng đỉnh vào lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông - thời điểm quan trọng đối với cả hai bên, khi việc Nga điều quân lên vùng biên giới giáp Ukraine làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công và nếu điều này xảy ra thì Olympic Bắc Kinh sẽ bị lu mờ.

Cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng sẽ thêm một cột mốc mới trong mối quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, trong khi quan hệ của cả hai với phương Tây ngày càng xấu đi.

Tổng thống Putin là một trong số ít nhà lãnh đạo thế giới tham dự Olympic Bắc Kinh, trong khi nhiều chính phủ phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh và Úc, đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội với lý do Trung Quốc không bảo đảm nhân quyền. Nhiều nhà lãnh đạo khác từ chối lời mời tham dự, với lý do Bắc Kinh đang kiểm soát chặt chẽ COVID-19.

Điều này có nghĩa là Olympic mùa đông 2022 sẽ có sự tương phản rõ rệt với Olympic mùa hè 2008 dù đều diễn ra ở Bắc Kinh. Tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George Bush và các nhà lãnh đạo phương Tây khác vui vẻ bắt tay các quan chức Trung Quốc trong khi dự khán cổ vũ đội tuyển quốc gia của họ.

Với Olympic Bắc Kinh 2022, việc Tổng thống Putin đứng đầu trong danh sách các quan chức tham dự (theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố) chỉ ra sự gần gũi giữa hai cường quốc láng giềng. Nhiều người phương Tây đang băn khoăn liệu lần này có tái hiện những gì đã xảy ra dịp Olympic Bắc Kinh 2008 - Nga tấn công Gruzia.

Và khi căng thẳng tiếp tục gia tăng ở biên giới Ukraine, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Tổng thống Putin.

Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung ảnh 1

Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp thượng đỉnh ngày 4/2 tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022.Ảnh: Getty Images.

Ông Alexander Gabuev, giám đốc Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định: “Đó là một khoảnh khắc rất kịch tính trong cuộc đối đầu của Nga với phương Tây và theo một cách nào đó, cuộc đối đầu của Trung Quốc với phương Tây”.

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong hơn hai năm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này. Ông Tập đã không rời Trung Quốc kể từ tháng 1/2020, thay vào đó dựa vào “ngoại giao đám mây”, phát biểu tại các sự kiện quốc tế lớn và gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài thông qua liên kết video (hình thức trực tuyến). Ông Tập đã không tiếp đón một quan chức nước ngoài trong cả năm 2021, vì Trung Quốc duy trì đóng cửa biên giới, thực hiện chính sách “Không COVID”.

Cuộc gặp trực tiếp cuối cùng được biết đến rộng rãi là vào tháng 11/2020 khi ông Tập tiếp đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Bắc Kinh. Trước đó, vào tháng 3 cùng năm, ông hội đàm với Tổng thống Pakistan Arif Alvi.

Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung ảnh 2

Lính Ukraine gần khu vực Donbas. Ảnh: Reuters.

Liên minh mới?

Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm Bắc Kinh và Mátxcơva đang thúc đẩy quan hệ đối tác của họ về thương mại, công nghệ và điều phối các cuộc tập trận, lên tiếng mạnh mẽ về cách thức hợp tác của họ có thể thúc đẩy lùi trật tự thế giới do phương Tây chi phối.

Trong cuộc điện đàm hồi tháng 12/2021 với ông Putin, ông Tập kêu gọi Trung Quốc và Nga “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế” và bác bỏ “các hành động bá quyền và tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Các nhà phân tích nói rằng, trong khi kêu gọi hòa bình khi nói đến bất kỳ hành động nào trong tương lai của Nga đối với Ukraine, Trung Quốc đã thể hiện sự đồng cảm với thông điệp của Nga gửi đến NATO - yêu cầu đảm bảo an ninh để hạn chế dấu ấn của tổ chức này dọc theo biên giới của Nga.

Trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tuần trước, ông Vương kêu gọi “các mối quan ngại chính đáng về an ninh của Nga” phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Nga và Trung Quốc có lịch sử lâu dài ủng hộ lẫn nhau chống lại điều mà hai nước coi là sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của họ, đẩy lùi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và thường bỏ phiếu thống nhất tại Liên Hợp Quốc.

Hôm thứ Hai, Trung Quốc là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu cùng với Nga để bác bỏ một cuộc họp hội đồng do Mỹ kêu gọi để thảo luận về việc Nga tập trung quân ở biên giới với Ukraine.

Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung ảnh 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương ngày 13/11/2019 tại Brasilia, Brazil. Ảnh: Getty Images.

Theo ông Gabuev, hai cường quốc láng giềng đã xích lại gần nhau hơn theo thời gian bởi các mối quan hệ kinh tế, nhu cầu an ninh dọc theo biên giới dài hơn 4.000 km của họ, cũng như những điểm tương đồng về bản chất chế độ.

Những thành tố bí mật của mối quan hệ thắt chặt giữa hai nước những năm gần đây là cuộc đối đầu đồng thời của họ với Washington, ông Gabuev nhận định. “Với Nga, quan hệ với Mỹ đã đi từ xấu đến tồi tệ hơn... Với Trung Quốc, chúng ta thấy chính sách nhất quán của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc”, ông nói.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc-Nga, khi hai bên gia hạn hiệp ước hữu nghị 2001, đạt mức thương mại song phương kỷ lục 146 tỷ USD và tuyên bố quan hệ hai nước đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Hai bên cũng tăng cường phối hợp các cuộc tập trận, tổ chức một cuộc tập trận chung quy mô lớn ở miền Bắc Trung Quốc và cuộc tuần tra hải quân chung Trung-Nga đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn khác xa so với một liên minh quân sự chính thức và cả hai đều tránh tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột tiềm tàng của nhau, các chuyên gia nhận định. Điều này cũng có thể đúng với cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay.

Phó giáo sư Anna Kireeva tại Học viện Quan hệ quốc tế Nhà nước Mátxcơva nói: “Mặc dù Bắc Kinh có khả năng thể hiện sự hiểu biết về các yêu cầu an ninh của Nga đối với NATO và Mỹ, đồng thời phản đối các hành động khiêu khích và trừng phạt từ phương Tây, nhưng họ không có lợi ích thực sự trong việc vướng vào các cuộc xung đột của Nga với NATO. Các nhà hoạch định chính sách ở Mátxcơva nhận thức rõ quan điểm này”.

Tuy nhiên, xung đột ở châu Âu chắc chắn sẽ giúp củng cố mối quan hệ, đặc biệt nếu Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây, làm tăng sự phụ thuộc kinh tế của Mátxcơva vào Bắc Kinh. Các nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh cũng có thể hưởng lợi từ việc Mỹ chuyển hướng tập trung cạnh tranh từ Trung Quốc sang Nga.

Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung ảnh 4

Lính Nga trong trang phục ngụy trang. Ảnh: EPA.

Tình bạn Putin-Tập

Cuộc gặp hôm thứ Sáu trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh cũng có thể cho thấy một khía cạnh khác của động lực Trung - Nga: mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo. Điện đàm hồi tháng 12/2021, ông Tập gọi ông Putin là “bạn cũ” và nói rằng ông “rất mong chờ” gặp mặt trực tiếp dịp Olympic.

“Đối với tất cả các vấn đề cấu trúc khiến mối quan hệ Trung Quốc-Nga trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược phức tạp và khó khăn, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin hợp tác với nhau hơn nhiều” so với các cặp lãnh đạo của hai quốc gia trong quá khứ gần đây”. Ông Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London (Anh), nhận định. “Có một yếu tố gắn kết cá nhân là cả hai đều là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người này đánh giá cao người kia về những gì họ đã cố gắng làm được”, ông Tsang nói thêm.

Truyền thông nhà nước Nga tháng trước đưa tin, Tổng thống Putin sẽ thông báo ngắn gọn với Chủ tịch Trung Quốc về các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO, trong khi hai bên dự kiến ​​sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Theo ông Yu Bin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wittenberg (Mỹ), chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc), một cuộc gặp trực tiếp sẽ tạo cơ hội để “tiếp thêm năng lượng” cho mối quan hệ song phương.

“Ở cấp độ cá nhân, đừng quên rằng cả ông Putin và ông Tập đều là những người hâm mộ các môn thể thao khác nhau. Họ sẽ tận hưởng Thế vận hội trong khi nói về các vấn đề thế giới”, ông Yu nói. Theo ông, Trung Quốc có thể không tin rằng một cuộc xâm lược tiềm tàng như các chính phủ phương Tây mô tả sắp xảy ra. Nhưng những câu hỏi sâu về những gì có thể xảy ra về xung đột của Nga với phương Tây và ở Ukraine chắc chắn được đặt ra tại cuộc gặp.

Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung ảnh 5

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay trước cuộc gặp ngày 4/7/2017 tại Điện Kremlin ở Mátxcơva. Ảnh: Getty Images.

Tháng trước, Liên Hợp Quốc thông qua “Thông lệ đình chiến Olympic” - một truyền thống bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại có từ năm 776 trước Công nguyên (thành phố đăng cai không bị tấn công và các vận động viên cũng như khán giả có thể đi đến Thế vận hội và trở về quốc gia tương ứng một cách an toàn, yên bình).

Ông Gabuev nói: “Tôi đoán là Nga e ngại về sự nhạy cảm của Trung Quốc khi đến dự lễ khai mạc và có thể là một phần của Thế vận hội. Nga muốn sự kiện được truyền thông chú ý đầy đủ”. Tuy nhiên, cuộc gặp trực tiếp giữa ông Putin và ông Tập sẽ truyền đi thông điệp rằng, nếu phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt, Nga sẽ không đơn độc mà có quan hệ đối tác với một siêu cường toàn cầu khác, ông nhận định.

Kịch tính vấn đề Ukraine dịp Olympic và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung ảnh 6

Dựng rào chắn bảo vệ khu vực trưng bày ngọn đuốc Olympic tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.