Cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng, COC khó đạt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ gia tăng trong năm nay và diễn ra dưới dạng một chu kỳ hành động - phản ứng gay gắt. Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc sẽ thay nhau đáp trả hành động của bên kia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, sự phân cực chính trị trong nước hiện nay ở Mỹ có thể sẽ gia tăng trong thời gian trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Theo ông Tập, điều này sẽ thúc đẩy sự suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ hiện nay trên toàn cầu nói chung, ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng. Đánh giá của ông Tập rằng Mỹ đang xuống dốc được củng cố bởi tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, bao gồm việc đóng thêm tàu ​​chiến, máy bay và tên lửa cũng như mở rộng khả năng của chúng. Cán cân sức mạnh quân sự sẽ nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc.

Ăn miếng trả miếng

Nhiều nhà phân tích dự báo, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quấy rối và đe dọa Đài Loan sau Olympic mùa đông Bắc Kinh; tiếp tục quấy rối Philippines để phá hoại liên minh của nước này với Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ cố làm gián đoạn hoạt động thăm dò dầu khí của các công ty nước ngoài hoạt động trong vùng biển Indonesia và Malaysia mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng, COC khó đạt ảnh 1

Tàu cảnh sát biển Philippines đang theo dõi một tàu Trung Quốc thả neo ngoài xa trên Biển Đông hồi tháng 4/2021. Ảnh: Jiji

Mỹ sẽ đáp trả các hành động của Trung Quốc bằng cách tiến hành các cuộc tập trận hải quân, không quân ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông với sự hợp tác của các thành viên AUKUS và Nhóm Quad. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường sức ép ngoại giao và kinh tế lên các quốc gia trong khu vực để chống lại Trung Quốc.

Yếu tố mới quan trọng nhất trong cạnh tranh Mỹ-Trung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là việc thắt chặt hệ thống đa cực. Trước đây, hệ thống khu vực là một dạng lỏng lẻo của hệ thống đa cực và điều này hợp với chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Giờ đây, Mỹ và các đồng minh xích lại gần nhau hơn trong AUKUS và ở mức độ thấp hơn là Bộ tứ (Quad). Úc và Nhật Bản đã tăng cường quan hệ thông qua Thỏa thuận tiếp cận quốc phòng tương hỗ. Trung Quốc và Nga cũng đã xích lại gần nhau hơn để phản ứng lại với Mỹ.

Cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng, COC khó đạt ảnh 2

Hải quân Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận chung ở Biển Đông năm 2020. Ảnh: US Navy

Khía cạnh đáng lo ngại nhất của hệ thống đa cực chặt chẽ là mối liên hệ tiềm tàng của cuộc khủng hoảng ở Đài Loan (Trung Quốc) và cuộc khủng hoảng ở Ukraine hoặc ngược lại. Nói cách khác, Nga hoặc Trung Quốc có thể phản ứng một cách cơ hội đối với cuộc khủng hoảng liên quan Đài Loan và Ukraine.

Đàm phán COC: đồng thuận và khác biệt

Các thành viên ASEAN và Trung Quốc khó có thể hoàn thành dự thảo cuối cùng của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối năm nay. Dự thảo COC được thông qua vào tháng 8/2018 và dự kiến được xem xét 3 lần - lần đầu tiên vào tháng 7/2019 và lần thứ hai đang được tiến hành. Văn bản dự thảo đàm phán chung (SDNT) dài 19 trang khổ A4.

Cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng, COC khó đạt ảnh 3

“Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN nhưng điều này là không đủ. Việt Nam cần nỗ lực nâng cao vai trò của Hội nghị Cấp cao Đông Á với tư cách diễn đàn an ninh đa phương. Hội nghị Cấp cao Đông Á có 18 thành viên, gồm 10 nước ASEAN,Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc”.

GS Carlyle Thayer - ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc

Đến nay đã có một thỏa thuận tạm thời về Lời mở đầu. Lời mở đầu gồm một trang với 9 dòng chữ. Các cuộc đàm phán hiện tập trung vào phần Mục tiêu trong Điều khoản chung. Phần Mục tiêu dài một trang rưỡi, bao gồm 11 điểm. Ý kiến các nước không có sự khác biệt cơ bản trong phần này. Tuy nhiên, điểm 11 có 6 điểm phụ và một điểm phụ đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Có 3 quốc gia ủng hộ việc đưa vào phần này tham chiếu về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong khi Philippines ủng hộ một tham chiếu chung hơn. Điều này sẽ dễ dàng được giải quyết. Phần Lời mở đầu và Mục tiêu dễ đạt được vì không gây tranh cãi.

Khi đạt được thỏa thuận về Mục tiêu, 16 trang rưỡi văn bản vẫn sẽ được thảo luận và thông qua. Phần tiếp theo sau Mục tiêu là Nguyên tắc (2 trang) và phần này cũng không gây tranh cãi. Tuy nhiên, phần tiếp theo, Các cam kết cơ bản (9 trang) khá phức tạp. Phần này gồm nhiều lựa chọn cho các tiểu mục.

Hiện nay, SDNT không xác định phạm vi địa lý sẽ được COC điều chỉnh, không xác định rõ tình trạng pháp lý của COC như là một hiệp ước mang tính ràng buộc hay một tuyên bố chính trị không ràng buộc. Dự thảo COC không có cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc, không nêu cách thức thực thi COC. Và dự thảo COC cũng không đề cập bên thứ ba có thể muốn gia nhập.

Dự thảo COC có hai đề xuất gây tranh cãi của Trung Quốc. Một đề xuất yêu cầu thông báo trước về các cuộc tập trận quân sự với “các nước bên ngoài khu vực”. Đề xuất khác gắn việc khai thác tài nguyên biển, bao gồm dầu và khí đốt, với các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc và các quốc gia ven biển trong ASEAN, loại trừ sự tham gia của các công ty dầu khí từ “các quốc gia bên ngoài khu vực”.

Năm qua, Trung Quốc chính thức liên tục thúc đẩy việc sớm ký kết COC. Ngày 26/10/2021, tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc (diễn ra dưới hình thức trực tuyến), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các thành viên ASEAN “xúc tiến các cuộc đàm phán COC và cố gắng hoàn tất sớm”. Ngày 14/11/2021, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi có bước đột phá trong ASEAN về đàm phán COC. Ngày 14/12/2021, tại cuộc họp cấp bộ trưởng G7-ASEAN, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin phát biểu: “Tôi phản đối việc loại trừ bất kỳ thế lực bên ngoài nào ra khỏi Biển Đông”. Philippines là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2021; Myanmar hiện là điều phối viên giai đoạn 2021-2024.

Sự khác biệt lớn giữa các bên đàm phán về các vấn đề quan trọng, cùng với sự quấy rối và đe dọa của Trung Quốc hiện nay đối với Philippines, Indonesia và Malaysia, làm giảm khả năng ký kết COC trong năm 2022. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch ASEAN năm 2022, nói rằng, ông sẽ ưu tiên cho việc ký kết COC trong nhiệm kỳ của mình.

MỚI - NÓNG