Khó thay!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay, 7/6/2022, tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mở màn phiên trả lời chất vấn của 4 bộ trưởng với nhiều vấn đề nóng như: phối hợp chính sách tài khóa và kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng vĩ mô; Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu...

Song song với những vấn đề nóng thống đốc phải trả lời ở nghị trường, những ngày này, mặt bằng lãi suất tiền gửi nhiều ngân hàng vẫn đang tăng mạnh lên mức 6 - 7%/năm cho các kỳ hạn tiết kiệm từ 6 tháng trở lên (có nơi còn 7,3%/năm). Làn sóng chạy đua lãi suất huy động của các nhà băng đang nóng lên.

Khó thay! ảnh 1

Tác giả: Khánh Huyền

Lãi suất huy động tăng bởi đại dịch COVID-19 đã được khống chế, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh tăng khiến doanh nghiệp trở lại vay mượn nhiều hơn khiến thanh khoản các ngân hàng bắt đầu trồi sụt; Thị trường chứng khoán giảm mạnh ẩn chứa nhiều rủi ro làm nhà đầu tư sợ hãi, thị trường bất động sản đội giá cao cùng dấu hiệu thanh khoản chững lại... cũng khiến “giỏ trứng” tiền gửi ngân hàng trở nên hấp dẫn. Đặc biệt, một yếu tố quan trọng khác là lạm phát tăng nhanh từ cơn lốc giá dầu leo thang là cơn cớ gây sức ép buộc cơ quan quản lý phải nâng lãi suất lên “hút” dòng tiền gửi quay trở lại.

Cùng lúc này, lần đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ quyết định tung gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dành cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực sản xuất cần ưu tiên. Điều này, khiến cộng đồng kinh doanh rất phấn khởi. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Aribank (Agriseco), dư nợ hỗ trợ lãi suất trong 2 năm tới khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống hiện tại khoảng 11 triệu tỷ đồng. Gói hỗ trợ lãi suất lần này kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình hồi phục, góp phần làm tăng trưởng kinh tế để hoàn thành mục tiêu 6% - 6.5% của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có quan ngại là doanh nghiệp được hỗ trợ có thể sử dụng nguồn vốn sai mục đích.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra cuối tuần qua, nói về cơ hội và thách thức của nền kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh đã nhấn mạnh: Việt Nam đã chứng minh có thể đứng vững như một “vịnh trú ẩn” trong cơn bão của nền kinh tế thế giới vừa qua, khi rất nhiều cú sốc đến từ cuộc chiến, từ giá dầu, từ đại dịch nhưng cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn trụ vững, thậm chí có một phần độc lập tự chủ...

Tuy nhiên, ngay cả ông Vũ Thành Tự Anh hay nhiều chuyên gia khác và như hai bộ điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ cũng thừa hiểu thách thức đang đến cả trong nội tại nền kinh tế khi cần đạt cùng lúc “mục tiêu kép”: Tăng trưởng bền vững, tăng tốc đầu tư công nhưng phải kiểm soát được lạm phát.

Tung gói vay 1 triệu tỷ đồng, nới lỏng điều kiện vay nghĩa là sẽ tăng cung tiền, tạo sức ép lên lạm phát. Để đảm bảo ổn định tiền tệ, giảm áp lực lạm phát, không tăng mặt bằng lãi suất cho vay… là việc thật khó! Thế nhưng khó đến mấy thiết nghĩ cũng cần tìm bằng được giải pháp để xử lý hài hòa nhất có thể.

MỚI - NÓNG