Hơn 80% học sinh, sinh viên học nghề đều có việc làm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Theo thống kê của chúng tôi, hơn 80% học sinh, sinh viên tham gia giáo dục nghề nghiệp đều có việc làm trong ngành của mình, thậm chí tỷ lệ này lên tới 100% đối với một số ngành nghề", TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ.

Nhu cầu lao động trình độ cao đẳng ngày càng cao

Tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Chọn bằng cấp hay chọn việc làm" do báo Dân trí và trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức mới đây,TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện nhà tuyển dụng đặt mức yêu cầu cao hơn đối với ứng viên, không chỉ trong việc sở hữu kiến thức mà còn trongtrình độ chuyên môn.

Hơn 80% học sinh, sinh viên học nghề đều có việc làm ảnh 1

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Điều này dẫn đến thực tế, số lượng người sở hữu bằng cử nhân đang gặp khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ thiếu chính sách hỗ trợ đến nhận thức của cộng đồng vẫn chưa đầy đủ, cũng như hướng đào tạo không phù hợp với việc phát triển năng lực của học sinh và sinh viên.

Theo số liệu từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TPHCM, trong quý III/2023, trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các vị trí yêu cầu trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng gần 23%, trong khi nhóm cao đẳng lại chiếm tỷ lệ lớn hơn là 24,61%.

Điều này cho thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng trở lên ngày càng cao.

"Theo thống kê của chúng tôi, hơn 80% học sinh, sinh viên tham gia giáo dục nghề nghiệp đều có việc làm trong ngành của mình, thậm chí tỷ lệ này lên tới 100% đối với một số ngành nghề", ông Bình nhấn mạnh.

Thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, chia sẻ việc trường đào tạo theo cách tiếp cận thực tế với nhu cầu của doanh nghiệp, vì vậy tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng đến 1 năm tốt nghiệp thường dao động từ 97,7 đến 98%.

Hơn 80% học sinh, sinh viên học nghề đều có việc làm ảnh 2
Thầy giáo Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ tại buổi toạ đàm

Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích giảng viên tham gia làm việc tại các doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, từ đó, mang đến cho sinh viên kiến thức thực tế nhất có thể, giúp họ hiểu rõ hơn về môi trường làm việc trong doanh nghiệp dù vẫn đang học tập tại trường.

"Với hơn 2.000 doanh nghiệp hợp tác, trường đã nỗ lực tạo ra cơ hội để nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng và trình độ của sinh viên thông qua các dự án tốt nghiệp và sản phẩm đặt hàng", thầy Vũ Chí Thành chia sẻ.

Hơn 80% học sinh, sinh viên học nghề đều có việc làm ảnh 3

Anh Lê Mạnh Cường

Trong vai trò nhà tuyển dụng, anh Lê Mạnh Cường - Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web tại trung tâm akaVerse, Công ty hệ thống thông tin FPT cho rằng, không có sự chênh lệch lớn về trình độ giữa ứng viên tốt nghiệp đại học và những ứng viên có bằng cao đẳng, thậm chí, ứng viên từ trường cao đẳng còn có lợi thế hơn một chút.

Anh khuyến khích sinh viên thực hiện các bài tập, dự án tốt nghiệp và sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp để tăng cơ hội nhận việc làm với mức lương hấp dẫn.

Tìm “chỗ đứng vững chắc” trong thị trường lao động

Dành lời khuyên cho các phụ huynh có con chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, việc các phụ huynh cần làm là xác định rõ ràng khả năng và mong muốn của con em mình.

Hơn 80% học sinh, sinh viên học nghề đều có việc làm ảnh 4
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi toạ đàm

Theo TS Bình, sự phát triển toàn diện là điều vô cùng cần thiết đối với giới trẻ hiện nay, không chỉ không chỉ là về mặt kiến thức lý thuyết và học thuật, mà còn về mặt kỹ năng thực hành và nghề nghiệp, nơi họ có thể có được “chỗ đứng vững chắc” trong thị trường lao động.

TS. Bình cũng khuyến khích các phụ huynh nên tìm hiểu về các ngành nghề đang phát triển mạnh trong tương lai như: Logistics, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật để hướng dẫn và định hướng cho con cái.

Theo thầy Vũ Chí Thành, năng lực của mỗi người học sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn môi trường học. Các gia đình cũng nên chọn lựa một môi trường học phù hợp với khả năng tài chính của mình, với học phí không quá cao và thời gian học, ra trường nhanh chóng.

Một yếu tố quan trọng khác là đam mê. Sinh viên cần phải nhận biết và thấu hiểu rõ về sở thích, mong muốn của bản thân để có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đam mê sẽ giúp sinh viên có thêm động lực và quyết tâm để vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình học và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo thầy Thành, hiện, việc chọn lựa các chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng mang lại lợi thế là có thể học ngắn và sớm tiếp xúc với thị trường lao động để phát triển kỹ năng và nâng cao trình độ chuyên môn ngay từ khi còn đang đi học.

Hơn nữa, nếu sinh viên có năng lực học ở mức trung bình - khá, việc học cao đẳng là một sự lựa chọn phù hợp, vì họ sẽ được đào tạo cho đến khi thành thạo, trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực mà họ đã chọn. Sau đó, sinh viên có thể tiếp tục việc học nếu muốn trau dồi kiến thức, khả năng trình độ của mình ở những cấp bậc cao hơn.

MỚI - NÓNG