Bà Chu Thị Lan (sinh năm 1941) sinh ra ở Hưng Yên. Thời trẻ sau khi lập gia đình và không sinh được con, chồng đi lấy vợ khác, bà bỏ quê lên Hà Nội nhặt rác tìm phế liệu kiếm sống. Vì không hợp với chị dâu, bà dọn ra bãi giữa dựng lều sinh sống, đến nay đã hơn 20 năm.
Vào buổi sáng, bà dậy sớm để nấu nướng, sinh hoạt. Nước từ sông Hồng bà cho đánh phèn để sử dụng trong việc ăn uống, tắm rửa.
Rau mồng tơi được trồng sẵn trong vườn. Thường thường, bà nấu cơm nhiều để chiều nấu cháo cho đỡ tốn gạo. Một ngày bà ăn hai bữa sáng và tối.
Buổi sáng 9 - 10h, bà bắt đầu vác bao tải lên phố để nhặt rác.
Bà Lan cho biết, thời trẻ đã qua nhiều sai lầm, nhưng nhờ theo Phật nên vẫn có lối thoát. "Phật ở trên trời và hai vai. Ai làm gì, nói gì Phật đều biết hết", người phụ nữ 75 tuổi nói.
Mỗi sáng bà Lan đi từ bãi sông Hồng (nhà bà) ra phố tổng cộng vừa đi vừa về với quãng đường khoảng 10 km.
Nhặt những tờ giấy báo khô, bà bảo, ướt sẽ không bán được. Mỗi kg giấy báo có giá 2.000 đồng.
Những người làm nghề nhặt rác phải có mặt trên phố khoảng 10h sáng. Vì nếu đi sớm hơn, dễ bị người ở các nhà hàng, quán xá đuổi vì họ sợ xúi quẩy.
Nhiều lần ngủ dậy muộn sau giờ xe vệ sinh dọn rác, bà không nhặt được gì vì đã bị chở đi hết. Hoặc nếu cố bà sẽ phải mò trong thùng rác bẩn. Bà cho biết, khu vực phố Hàng Chiếu, chợ Đồng Xuân thường có nhiều phế liệu và rác nhất.
Bà bảo, trước khi nhặt phải hỏi xin chủ nhà hàng, chứ không tự tiện vì từng nhiều lần bị họ mắng.
Không có khả năng sinh đẻ, bà Lan cho biết một mình ở bãi rất cô độc. Nhiều khi ốm đau mà chẳng có ai nấu cho bát cháo.
Mỗi khi mỏi, bà lại đổi vai bao tải. Thường cứ sau 2 km bà lại ngồi nghỉ vì bệnh tim tái phát dễ gây mệt.
Sau giờ trưa, mỗi hàng cơm sẽ có nhiều vỏ lon bỏ đi mà nhân viên chưa kịp dọn, bà lượm được. Mỗi lon mang về bà bán được 200 đồng.
Bà cụ phân loại rác trước khi mang bán.
Ngày hôm nay, phế liệu của bà thu được 1 kg bìa, 20 vỏ lon, và đồ nhựa vặt các loại.
Chủ thu gom đồng nát cho biết, hôm nay bà bán được 14.000 đồng nhưng đưa cả cho bà 15.000 đồng.
Trên đường về nhà, bà bảo, có cháu sinh viên muốn biếu bà xe đạp nhưng bà không nhận vì người yếu không dắt được xe. Hơn nữa, để ở nhà dễ mất trộm.
Chiếc hòm sắt bà mua với giá 350.000 đồng là nơi đựng hàng của các thanh niên tình nguyện tặng. Có lần về nhà, bà thấy đã bị ai đó mở và đồ ăn bị lấy hết. Tuy nhiên ở đây không có ai để gửi nhờ.
Ông Thành, người hàng xóm ở nhà đối diện đang bắt con gà ăn vườn rau của bà Lan. Bà cho biết, từ ngày ông Thành, bà Thủy nổi tiếng sau các bức ảnh cưới "tình già", các cháu thanh niên tình nguyện tới cũng có người vào thăm bà..
Hôm nào mệt, bà Lan không đi nhặt rác chỉ ngồi niệm kinh nhìn ra sông Hồng. "Bà không sợ chết, chỉ cầu Phật nếu được chết thì chết không ốm đau vì bà không có tiền nằm viện, cũng không người chăm sóc", người phụ nữ lớn tuổi tâm sự.