Hà Nội trong mắt các đại sứ

Người nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ em Hà Nội.
Người nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ em Hà Nội.
TP - Trong bài viết riêng cho Tiền Phong nhân dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô, Đại sứ Nhật Bản cho biết, ông nhận thấy một sự đồng cảm sâu xa giữa văn hóa của người Việt với tinh thần người Nhật. Còn Đại sứ Pháp yêu thích những “màn trình diễn của phố phường”, “những sở thích và thói quen rất Pháp” của người Hà Nội. 

Đại sứ Nhật Fukada Hiroshi: Mong Hà Nội mãi hòa bình 


Cách đây 20 năm, vào đầu những năm 90, khi Nhật Bản quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, tôi đã đến Việt Nam để thực hiện dự án hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam vào năm ngoái với tư cách là Đại sứ, tôi vẫn còn nhớ như in những cảm xúc ngạc nhiên và vui mừng khi tận mắt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sau 20 năm. Trong 1 năm này, ngoài giới chính phủ, tôi cũng đã thân thiết với rất nhiều người Việt Nam làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như doanh nhân, nghệ sỹ, và tôi đã có 1 năm làm việc rất thuận lợi.   

Hà Nội trong mắt các đại sứ ảnh 1

Trong 1 năm sống ở Hà Nội, tôi cảm nhận rõ nét những vẻ đẹp bốn mùa của miền đất này. Vào đầu xuân, những cây quất và hoa đào tô điểm trên khắp đường phố để đón Tết. Mùa hạ, những cây hoa phượng nở đỏ rực trời và những bông sen nhẹ nhàng nở rộ trên mặt nước. Đến mùa thu, mọi người lại cùng nhau mừng rằm tháng 8. Việc người Việt Nam quan tâm, coi trọng sự thay đổi phong cảnh và phong tục của bốn mùa có một sự đồng cảm sâu xa với tinh thần người Nhật Bản, và thông qua đó, một lần nữa tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự gần gũi giữa văn hóa hai nước. 

Hà Nội là một thành phố đã phải chịu nhiều bom lửa của chiến tranh. Theo tôi được biết, năm 1999, những chính sách đa dạng của Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân được đánh giá cao, và vì vậy Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”. Tôi mong hòa bình tại Hà Nội sẽ mãi được gìn giữ. 

Sau khi nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam, tôi đã giải quyết hết những vấn đề liên quan đến viện trợ ODA và doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Đạt được điều này đều là do quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước và nhân dân hai nước được vun đắp qua nhiều năm.

Quan hệ hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao lưu con người… theo khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”. Trong môi trường làm việc thuận lợi như vậy, tôi sẽ tiếp tục sánh vai cùng người dân Việt Nam, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với tư cách Đại sứ tại Việt Nam.

Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier: Yêu “màn trình diễn của phố phường”

Tôi yêu Hà Nội. Đó là một thành phố cổ kính. Lịch sử thành phố được thể hiện trên những bức tường. Hà Nội biết gìn giữ nét duyên dáng và những gì là truyền thống của mình. Đó là một thành phố mà người ta có thể tản bộ, đi dạo và thẩn thơ ngắm nhìn trên những con phố nhỏ. Tôi yêu thích “màn trình diễn của phố phường” với những nghề nhỏ lẻ, những quán cóc cà phê, những người Hà Nội vừa nói chuyện, vừa cười vừa uống nước trên vỉa hè. Tôi thấy ở đây có những sở thích và thói quen rất Pháp.

Hà Nội trong mắt các đại sứ ảnh 2 

Hà Nội cũng là một thành phố thay đổi rất nhanh. Như rất nhiều người khác, tôi hy vọng rằng thành phố sẽ đối phó được với những thách thức mới do việc gia tăng giao thông đặt ra. Tôi hy vọng rằng, khu Phố cổ sẽ không mất đi bản sắc riêng trước xu thế du lịch đông đảo.

Hà Nội đang phát triển nhanh chóng và phải đối phó nhiều vấn đề lớn đang đặt ra: áp lực dân số, bảo vệ môi trường và môi sinh, quản lý giao thông. Quan niệm “sống tốt hơn ở thành phố” đang là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả các thủ phủ lớn. Pháp có nhiều kinh nghiệm về thành phố bền vững và quy hoạch đô thị. Chúng tôi đang giúp đỡ Hà Nội xử lý những vấn đề mới mà thành phố đang phải đương đầu.

Dự án tàu điện ngầm Hà Nội là biểu tượng cho những thay đổi cần thiết trong quá trình chuyển đổi từng bước đang diễn ra. Dự án sẽ cho phép đáp ứng những vấn đề về giao thông, đi lại theo hướng tôn trọng môi trường. Đồng thời, dự án sẽ cho phép Hà Nội có một hệ thống giao thông xứng đáng với một thủ đô lớn và sẽ là nét tiêu biểu của thành phố. Tôi vui mừng rằng Pháp tài trợ cho tuyến đường số 3. Tôi hy vọng các doanh nghiệp Pháp làm chủ các công nghệ hiện đại sẽ cung cấp các trang thiết bị và phương tiện vận chuyển cho dự án.

Pháp đang giúp đỡ thành phố Hà Nội trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và phát triển “thành phố bền vững”. Vùng Ile-de-France rất tích cực giúp cải thiện quy hoạch đô thị của Hà Nội. Viện Đào tạo Nghề đô thị đã làm việc về quy hoạch tổng thể 2030 của Hà Nội mở rộng. Ngày 30/6 vừa qua, ông Roberto Roméro, Phó Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France, đã khai trương tuyến đường hành lang Yên Phụ dành riêng cho xe buýt.

Hà Nội cũng còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện các dịch vụ đô thị khác: đổi mới các bệnh viện, xử lý nước thải, xử lý và tái chế rác thải, năng lượng bền vững. Có thể nhìn thấy những tiến bộ qua từng năm.
Về mặt kiến trúc, Hà Nội gần như độc nhất ở châu Á hiện nay với nhiều nét đặc trưng. Các nhà chức trách thành phố cũng như các doanh nghiệp tư nhân rất lưu tâm gìn giữ các tòa nhà kiến trúc Pháp vốn làm nên một nét đẹp của thành phố. Dù đó là các tòa nhà hành chính, tòa nhà công sở, các biệt thự hay những căn nhà nhỏ trên khu Phố cổ, tôi thấy rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện. Dĩ nhiên, còn phải làm tốt hơn nữa vì có những biệt thự tuyệt đẹp đang xuống cấp, cần phải cải tạo khẩn cấp. Nhưng mọi việc đang đi đúng hướng và tôi rất vui mừng về điều này.

Viện Đào tạo Nghề đô thị rất tích cực sát cánh với thành phố Hà Nội trong vấn đề này. Viện đã thực hiện, cùng với Sở Quy hoạch - Kiến trúc thống kê danh mục di sản, và lên kế hoạch quy hoạch đô thị nhằm phát huy di sản này. 

Ở Hà Nội, mỗi khu phố đại diện cho một tổng thể cân đối. Kiến trúc, giao thông, đường sá, cây cối hoạt động theo hệ thống đặc thù. Di sản thời Pháp đã được nghĩ tới, trong quá trình thực hiện, như một tổng thể nhất quán. Khu vực 36 phố phường có hệ thống đô thị khác với khu phố Pháp hay khu Hoàng thành. Một cái nhìn tổng thể, có tính tới những đặc thù của mỗi khu phố và sự cần thiết làm chủ được quỹ đất, sẽ giúp phát huy những di sản này.

Nguyên đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam: Hà Nội là thành phố giàu năng lượng

Kết thúc nhiệm kỳ đại sứ của mình tại Việt Nam, ông Ha Chan Ho quay trở lại Hà Nội với vai trò là cố vấn cấp cao của tập đoàn SamSung. Từ vị trí là đại sứ chính trị tới “đại sứ kinh tế tại” Việt Nam, ông Ha Chan Ho nhận định Hà Nội là một thành phố giàu năng lượng và cũng là thành phố của tình yêu. 

Hà Nội trong mắt các đại sứ ảnh 3

“Tôi vẫn đang miệt mài học tiếng Việt để đến một ngày nào đó có thể bách bộ trên các con phố của Hà Nội, trò chuyện với những người dân và tạt vào những quán ăn vỉa hè để thưởng thức ẩm thực Hà Nội”

Ông Ha Chan Ho nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam
Quay ngược bánh xe của thời gian, năm 1998 là một thành viên trong đoàn của Tổng thống Hàn Quốc Kim Tae Chung tới thăm chính thức Việt Nam, ông thấy Hà Nội lúc đó là một thành phố nhỏ. Từ sân bay Nội Bài về trung tâm, qua làn sương mờ giăng trên phố, ông thấy Hà Nội chỉ lác đác vài ba tòa nhà cao tầng. Và trên đường phố có rất ít ô tô, ngay cả xe máy cũng hiếm gặp, phần lớn mọi người đều đi xe đạp. 

Nhưng tới năm 2011, khi trở lại Hà Nội với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ông Ha Chan Ho thấy Hà Nội đã thay đổi với những cao ốc, những chiếc xe hơi sang trọng và đặc biệt là rất nhiều xe máy. “Xe máy đến từ tứ phía, dù đang ngồi trong ô tô tôi cũng thấy hốt hoảng”, ông Ha Chan Ho cho biết.

Thế nhưng sau vài năm, vị đại sứ lại bắt đầu thấy thích không khí mà ban đầu đã làm cho ông hoảng sợ. “Trên đường phố Hà Nội tôi luôn bắt gặp những cô gái đi xe máy ăn diện hợp mốt, dáng vẻ lái xe lại dịu dàng và đặc biệt quyến rũ. Ấn tượng hơn cả là khi đi trên đường tôi thấy các cặp tình nhân, vợ chồng luôn ôm chặt vào nhau khi đi xe máy. Nhìn những hình ảnh đó tôi nghĩ rằng các cặp vợ chồng Việt Nam sẽ khó mà giận dỗi nhau lâu được. Vì họ luôn phải ôm nhau thật chặt khi trên đường, nếu không, hẳn người vợ sẽ bị ngã khỏi xe!”

Một trong những lý do khiến ông Ha Chan Ho quay trở lại Hà Nội, bởi ông tự nhận mình là người yêu Hà Nội, yêu những dãy phố dài mỗi độ tháng tư về được tô điểm bởi tím của bằng lăng, đỏ của hoa phượng. Hay sự hấp dẫn của nem cuốn, phở và cả thịt chó. 

Chia sẻ con số mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc tới Việt Nam, mỗi năm có khoảng 700 nghìn khách du lịch Hàn Quốc tới thăm Việt Nam, ông Ha Chan Ho khẳng định người Hàn Quốc rất yêu thích Việt Nam. “Người Hàn Quốc đều ghi nhận Hà Nội là thành phố giàu năng lượng, du khách tới đây vì nơi đây nhộn nhịp, sôi động. Cuộc sống tại Hà Nội rất đa dạng. Và đó là ưu điểm rất lớn của thành phố này”, nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định.   

Tuy nhiên, ông cho biết tại Hàn Quốc, thủ đô Seoul cũng trải qua quá trình phát triển tương tự Hà Nội. “Khoảng 20 năm trước đây, Seoul cũng nhiều bụi không khác gì Hà Nội như bây giờ. Tuy nhiên lúc đó chúng tôi không đồng thời chú trọng việc phát triển đô thị với bảo vệ môi trường. Và phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục những hậu quả về môi trường”. Vì thế Hà Nội cần rút bài học này, vừa phát triển đô thị vừa bảo vệ môi trường, phải giữ lại những hồ nước tự nhiên đã làm nên sự đặc biệt của Hà Nội.

Những điều nên thay đổi

Tôi biên tập cho một số báo ở TPHCM từ năm 2006, giờ tôi dạy tiếng Anh ở World Bridge Academy of English tại Hà Nội. Tôi thấy phong cảnh, nhịp sống, cách sống ở Hà Nội rất khác với TPHCM. Cảnh nên thơ, thanh bình hơn, người trầm lắng, suy tư hơn. Tôi tin rằng, Hà Nội sẽ là thành phố tươi đẹp hơn, đáng sống hơn rất nhiều nếu chính quyền và người dân cùng quyết tâm cải thiện. Theo tôi, Hà Nội nên trồng thêm nhiều cây xanh, dựng tượng nhỏ, tiểu cảnh bên đường; thường xuyên nạo vét kênh mương, sông nội đô, thậm chí có thể xây đường trùm lên đoạn sông hẹp, ô nhiễm, tạo sân chơi. Chợ cóc, bán hàng rong có cái hay là tiện mua bán, nhưng nên hạn chế hoặc có khu tập trung phục vụ du khách để tránh tắc đường.

 Jon Dillingham, người Mỹ

Hà Nội trong mắt các đại sứ ảnh 4

Những trái tim rộng mở
Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời trong 6 tháng ở Hà Nội. Tôi đến Hà Nội theo chương trình nghiên cứu Erasmus nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên khám phá một nền văn hóa khác. Lúc đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sốc văn hóa… Nhưng sau đó, tôi tìm thấy nhiều niềm vui, nhiều điều thú vị. Gặp gỡ, kết bạn với nhiều người, tôi thấy nhiều người Việt Nam có trái tim rộng mở hơn rất nhiều người ở châu Âu. Họ có không nhiều nhưng lại luôn cố gắng cho người khác tối đa có thể. Tôi chưa từng có trải nghiệm cuộc sống nào như vậy trước đó. 

Matthieu Waniart, người Bỉ

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.