Gặp mặt nhân chứng lịch sử giải phóng Thủ đô

Ngày 4/10, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức “Gặp mặt nhân chứng lịch sử” nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Gặp mặt nhân chứng lịch sử giải phóng Thủ đô ảnh 1

Đại đoàn quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội và 300 nhân chứng lịch sử là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, đã dự buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, chào đón Ngày giải phóng Thủ đô, cả Hà Nội ngập tràn không khí vui tươi của những ngày tháng 10 lịch sử. 9 năm trường kỳ kháng chiến, đế quốc Pháp đã phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô đã đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Chặng đường 60 năm qua, Hà Nội được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế gửi gắm niềm tin và hy vọng.

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, trong công cuộc đổi mới, Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, phát triển trên mọi mặt kinh tế-văn hóa-xã hội. Thành phố cũng luôn đi đầu thực hiện tất cả các phong trào, đặc biệt là giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công. Nhân dịp này, Hà Nội được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, những nhân chứng lịch sử, những người có công với cách mạng tham gia buổi gặp mặt này là những tấm gương kiên cường, anh dũng, không sợ hy sinh, gian khổ để các thế hệ noi theo. Với tình cảm trân trọng, Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách đền ơn, đáp nghĩa để động viên tinh thần đối với những đóng góp rất đáng ghi nhận của lớp lớp người đi trước.

Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên - một nhân chứng lịch sử, bồi hồi nhớ lại: Chỉ vài ngày sau khi ký kết Hiệp định đình chiến, Tiểu đoàn 308 đã được giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Ông rất tự hào được tham gia sự kiện này. Trong khí thế của người chiến thắng, nhân dân Thủ đô nồng nhiệt đón chào con em mình trở về bằng những nụ cười và cả nước mắt. Sau chiến tranh, ngày nay, đời sống của người Hà Nội đã được nâng cao, bộ mặt thành phố ngày càng đàng hoàng, to đẹp và khang trang hơn rất nhiều.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Thụ cảm động nhớ lại những trận đánh ác liệt năm xưa, mà ông cũng từng bị “chôn sống” nhưng đã thoát chết 4 lần. Ông Thụ chia sẻ, Hà Nội còn nhiều khó khăn nhưng đô thị đang thay da đổi thịt hàng ngày.

Đại diện thế hệ trẻ Thủ đô, bạn Hứa Thanh Tú phát biểu: "Lớp thanh niên hôm nay sinh ra trong hòa bình nhưng qua những điều được học, được biết, các bạn nhận thức được rằng, để có được ngày nay bao nhiêu xương máu của cha ông đã đổ xuống. Các bạn luôn khắc ghi, tự hào, biết ơn và làm hết sức mình để không phụ lòng các thế hệ cha ông đi trước."

Hà Nội hiện có 800 ngàn người có công, chiếm 1/10 của cả nước. Nhân buổi gặp mặt, thành phố Hà Nội đã tặng quà cho 300 nhân chứng lịch sử là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng.

Theo Nguyễn Văn Cảnh

Theo TTXVN/Vietnam+
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.