Giải pháp phát triển logistics tại Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 24/10, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Gia Lai là rất lớn.

Ông Quế nhận định, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, hạ tầng manh mún, thiếu sự đồng bộ; hình thức dịch vụ còn đơn điệu, tính liên kết không cao; năng lực cung ứng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế.

Bởi vậy, thông qua hội nghị này, tỉnh mong muốn được lắng nghe ý kiến tham luận, đóng góp của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp… về các giải pháp nhằm định hướng và thúc đẩy phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Qua đó, giúp tỉnh xây dựng các chính sách phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của nông sản và các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.

Giải pháp phát triển logistics tại Gia Lai ảnh 1

Ông Phạm Văn Binh (ở giữa) phát biểu tại buổi trao đổi thảo luận giải pháp phát triển dịch vụ logistics

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh thông tin, Gia Lai với vị trí là trung tâm của khu vực Tây Nguyên, cần đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cần sớm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực về đất đai, đầu tư, xây dựng, thương mại, hải quan, thuế, ngân hàng, giao thông vận tải…

“Để phát triển dịch vụ logistics cần phải cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics”, ông Binh nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần triển khai Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ đảm bảo các kết nối hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông. Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn (ICD), cảng biển, cảng hàng không trong địa bàn tỉnh và khu vực. Đảm bảo phát triển kết hợp giữa dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan.

Không những vậy, ông Binh nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng. Cùng với đó, cần gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; thành lập các khu kho, bãi tập trung gần các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cấp và hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển.

Giải pháp phát triển logistics tại Gia Lai ảnh 2

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại hội nghị

Cũng tại hội nghị này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, Gia Lai thuộc vùng Tây Nguyên với vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, Bộ Công Thương đề nghị chính quyền tỉnh Gia Lai tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Giải pháp phát triển logistics tại Gia Lai ảnh 3

Hàng hoá, sản phẩm ở Gia Lai chất lượng, đa dạng

Theo đó, cần hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.

Tỉnh cũng cần tập trung triển khai Kế hoạch số 1130 ngày 17/5/2023 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi”; dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics phục vụ nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí phù hợp.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển.

Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Gia Lai cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

MỚI - NÓNG