Doanh nghiệp nước ngoài muốn xây 'đường cao tốc' logistics ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Ng Boon Teck - đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam - bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng”.

Hiến kế giải bài toán thiếu vật liệu san lấp

Sáng 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn xây 'đường cao tốc' logistics ở Việt Nam ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nhật Bắc.

Tại hội nghị, ông Ng Boon Teck - đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam - cho biết doanh nghiệp Singapore có rất nhiều hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics càng đơn giản, hiện đại càng tốt, kết nối hạ tầng đường xá, thông tin, kinh tế.

Ông cho biết, hiện đã có "Super port" tại Việt Nam là "siêu cảng", trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc với diện tích rất lớn, có sự kết nối với nhiều khu vực như: Hà Nội, sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng và các tỉnh biên giới, nhằm biến nơi này thành khu vực trung chuyển, giảm chi phí nhiều nhất có thể. “Chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng”, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore nói.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn xây 'đường cao tốc' logistics ở Việt Nam ảnh 2

Ông Ng Boon Teck - đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Bruno Jaspert - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEPC - đề nghị Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đó.

Về tình trạng thiếu nguyên vật liệu san lấp ở Việt Nam, ông Bruno Jaspert nêu kinh nghiệm ở châu Âu trong việc thiết kế đường trở thành hệ thống thoát nước thay vì thiết kế nâng cao độ đường.

“Không có lý do gì Việt Nam không làm được điều này, thậm chí hơn nữa”, ông Bruno Jaspert nói và bày tỏ sẵn sàng thử nghiệm phương án này và cũng sử dụng vật liệu nạo vét hoặc vật liệu thải không độc hại làm vật liệu san lấp.

Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đang tăng lên

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông John Rockhold bày tỏ vui mừng khi Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước. Theo ông, quyết định này mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương và củng cố cam kết của Mỹ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn xây 'đường cao tốc' logistics ở Việt Nam ảnh 3

Ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam tới San Francisco, Washington D.C và thành phố New York, ông John Rockhold cho biết động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương đã tăng lên. Hiện AmCham đang nỗ lực phối hợp với những doanh nghiệp mà đoàn đã gặp trong chuyến thăm để hiện thức hóa những định hướng đầu tư của họ.

Về môi trường kinh doanh, đại diện AmCham cho rằng quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Từ đó, AmCham khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.

Trong khi đó, ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam thì đề nghị quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực của ngành bán dẫn. Theo ông, vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn.

Tạo môi trường để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư:

Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài để bảo đảm lợi ích, ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Thủ tướng cho biết vừa qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Tính đến hết tháng 9 năm nay, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài.

MỚI - NÓNG