Gen Z vào bếp tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công, ông Táo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Là một người trẻ, em quan niệm rằng, không quan trọng ít nhiều cao sang, miễn là tâm mình luôn hướng về điều thiện, tự tay chuẩn bị lễ quả, mâm cơm, cá chép thành tâm trong ngày cúng ông Công, ông Táo vậy là đủ. Và dù xã hội ngày càng phát triển hiện đại, đôi khi sống vội vã nhưng em hy vọng, những người trẻ sẽ không quên đi nét văn hóa Việt". 

Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Lan Anh (SN 2000, quê ở Nghệ An) khi đang tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng ngày 23 tháng Chạp.

Muốn lưu giữ nét văn hóa của người Việt

Trong suốt những năm tháng sống, học tập và làm việc ở Hà Nội, Lan Anh luôn duy trì việc cúng ông Công, ông Táo mỗi năm trong căn phòng trọ chật hẹp của mình.

"Tại sao ở trọ mà vẫn cúng ông Công, ông Táo?" - Đó là câu hỏi mà Lan Anh nhận được rất nhiều từ cư dân mạng sau những video ghi lại quá trình chuẩn bị mâm cơm, sắp lễ... đăng trên TikTok.

Cô gái Gen Z nói rằng: "Dù nhà mình hay nhà đi thuê, đó vẫn là nơi bao bọc mình, gắn liền với gian bếp mình vẫn nấu mỗi ngày. 23 tháng Chạp nếu không về quê được, mình vẫn chuẩn bị đầy đủ để ngày lễ thêm trọn vẹn và cảm ơn ngôi nhà đã bao bọc mình suốt quãng thời gian mình ở. Đặc biệt, mình tin, cúng ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình thành tâm".

Gen Z vào bếp tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công, ông Táo ảnh 1
Bạn Nguyễn Thị Lan Anh (SN 2000, quê ở Nghệ An) tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng ngày 23 tháng Chạp.

Là một người trẻ, Lan Anh cảm thấy tự hào về Việt Nam khi có nhiều ngày lễ, và ngày 23 tháng Chạp mở đầu cho kỳ Tết Nguyên đán. Đó là cơ hội để những người yêu thích văn hóa, phong tục tập quán có cơ hội chuẩn bị lễ quả, mâm cơm, cá chép… để bày biện, cúng bái.

"Với mình, mình thích được chia sẻ những nét văn hóa xưa của người Việt. Mình muốn lan tỏa rộng rãi đến các bạn trẻ, để cho dù xã hội có hiện đại đến đâu, sống vội vã như thế nào vẫn không quên đi những nét văn hóa Việt", Lan Anh chia sẻ.

Năm Thìn cũng như bao năm khác, Lan Anh luôn mong muốn bản thân sẽ luôn khoẻ mạnh để tiếp tục đăng ký học lên cao hơn, học thêm các kỹ năng mềm để bổ trợ cho công việc làm sáng tạo nội dung. "Và nếu cơ hội đến, mình sẽ nắm bắt, miễn là mình làm được", Lan Anh nói.

Gửi ước nguyện, tiễn ông Công ông Táo chầu trời

Từ cách tiếp cận những người thân xung quanh mình về những ngày lễ truyền thống và sự trải nghiệm, bạn Bùi Công Minh (sinh năm 1998; quê ở Hải Phòng) luôn có một tâm thức hướng đến và gác lại mọi công việc để tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng ngày ông Công, ông Táo về chầu trời.

"Mình quan niệm, ông Công, ông Táo quanh năm ở trong bếp để giữ ngọn lửa, sự hạnh phúc cho mỗi gia đình, nắm bắt mọi tâm tư, nguyện vọng của mỗi thành viên. Vì vậy, sau một năm bộn bề, mình muốn "sống chậm" bên gian bếp nhỏ, vừa tỉ mỉ chuẩn bị những món ăn truyền thống, vừa lẩm nhẩm gửi ước nguyện, mong cầu nhỏ để ông Công, ông Táo chầu trời", Minh nói.

Ước nguyện của Minh gói trọn trong 2 từ "mạnh khỏe" và "hạnh phúc" - mong cầu xuyên suốt trên cuộc đời và hành trình sống.

Minh nhận thấy, hiện nay, những gia đình trẻ, các bạn trẻ đã có sự đa dạng hơn, đầu tư hơn cho những mâm cơm cúng ngày 23 tháng Chạp. Bản thân anh mỗi năm đều học thêm cách trang trí đẹp mắt, đặc sắc hơn năm trước.

"Dịp này, mình có cả cơ hội thể hiện tài nấu nướng và ghi điểm trong mắt gia đình. Qua những việc làm đơn giản như vậy, những thế hệ trước trong gia đình mình cũng thấy an tâm hơn về một nét văn hóa truyền thống đang được tiếp nối và trao truyền cho thế hệ mình", Minh nói.

Gen Z vào bếp tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công, ông Táo ảnh 2

Bạn Bùi Công Minh (sinh năm 1998, quê ở Hải Phòng) bên mâm cơm cúng tự tay chuẩn bị.

Với Nguyễn Ngọc Trung Đức (sinh năm 1997, sống ở Hà Nội), nhiều năm gần đây, anh là thành viên chính chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công, ông Táo trong gia đình. Theo Đức, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị thần bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm trong năm qua của các gia đình.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

"Với mong muốn cầu khấn cho gia đình mình được yên bình, ấm no, nhiều may mắn. Nên hằng năm, mình tự tay chuẩn bị, làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng. Đây là một trong những phong tục, tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện", Đức nói.

Theo Đức, để gìn giữ trọn vẹn những giá trị này, mỗi gia đình, đặc biệt thế hệ trẻ cần ý thức được mục đích, ý nghĩa của nghi thức, thành kính, trang trọng nhưng không phô trương, lạm dụng... làm méo mó ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ. Việc thả cá cũng cần có tâm bảo vệ môi trường sạch đẹp, đó mới là cách thực hành hướng thiện, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền hiệu quả.

MỚI - NÓNG