Người trẻ bỏ cá chép, vàng mã khỏi mâm cúng ông Táo, chuyên gia văn hóa lý giải

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi dịp Tết ông Công ông Táo, ngoài chuẩn bị mâm cỗ cúng chu đáo, các gia đình còn mua cá chép, vàng mã để thể hiện lòng thành. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc đốt vàng mã hay thả cá chép chỉ gây lãng phí và ảnh hưởng môi trường.

Nhiều người không đốt vàng mã, thả cá chép ngày ông Công ông Táo

Năm nay, mâm cúng ông Công ông Táo nhà chị Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ có cỗ cúng, không cá chép, cũng không vàng mã. Giải thích với cậu con trai 9 tuổi vốn thích thú với màn thả cá chép xuống hồ, chị nói: “Cá này thả xuống hồ không biết nó có sống được không. Mọi năm rất nhiều cá được thả xuống sông, hồ nhưng sau 1-2 ngày cá chết hết, nổi lềnh phềnh trên mặt nước, gây ô nhiễm môi trường con ạ. Mà như thế cũng tội nghiệp con cá chép nữa, đúng không con?”.

Cậu bé nghe mẹ nói xong thì đồng ý với quyết định: “Từ nay nhà mình sẽ không mua cá chép cúng ông Công ông Táo nữa”. Chị cũng nói với con rằng, năm nay nhà mình sẽ không mua tiền vàng và “bộ quần áo giày mũ” cho “các ông, các bà” nữa để tránh lãng phí giấy, cũng như không gây bụi, khói mù mịt mỗi lần hoá vàng.

Bà mẹ 2 con cho rằng, chuyện văn hoá, truyền thống thực ra là ở trong tâm niệm, trong suy nghĩ của mỗi người. “Nếu mọi người đã hiểu và đã thấm nhuần thì văn hoá vẫn ở đó, không đi đâu mất cả. Chúng ta vẫn có thể vừa dạy con trẻ được về văn hoá dân tộc vừa có cách hành xử phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại. Theo tôi, không nhất thiết phải giữ lại toàn bộ những phong tục nếu nó không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa”, chị Thảo cho hay.

Chung quan điểm, bạn Cao Thanh Thủy (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho rằng việc thả cá chép, đốt vàng mã ngày ông Công ông Táo thực sự không cần thiết.

Người trẻ bỏ cá chép, vàng mã khỏi mâm cúng ông Táo, chuyên gia văn hóa lý giải ảnh 1

Mâm cơm cúng ngày ông Công ông Táo nhà chị Thủy

Chị Thủy cho biết: “Từ nhỏ nhà mình đã không thả cá chép mỗi dịp Tết ông Công ông Táo. Ngày lễ, Tết, gia đình mình đều có mâm cỗ mặn cúng chu đáo nhưng không đốt vàng mã. Mình cho rằng, việc đốt vàng mã không có lộc như nhiều người vẫn nghĩ mà còn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường”.

Người trẻ bỏ cá chép, vàng mã khỏi mâm cúng ông Táo, chuyên gia văn hóa lý giải ảnh 2

Chị Thủy chủ trương không sắm vàng mã các ngày lễ, Tết.

Khi lấy chồng, gia đình chồng chị Thủy cũng không đốt vàng mã hay thả cá chép ngày ông Công ông Táo nên cả nhà rất hợp ý nhau. Dịp ông Công ông Táo này, chị Thủy cũng chuẩn bị một mâm cỗ mặn gồm các món truyền thống như giò, chả, nem, canh, bánh chưng, thịt gà… để bày tỏ thành tâm của gia chủ.

Chị Thanh (Nguyễn Trãi, Hà Nội) trước đây rất chú trọng việc thả cá chép và đốt vàng mã trong ngày ông Công ông Táo. Tuy nhiên, từ ngày chuyển đến chung cư ở, thấy cảnh đốt vàng mã chật cứng lối đi. Mọi người chen chúc nhau, lửa bốc lên ngùn ngụt, đợi cả tiếng chưa đến lượt, chị bắt đầu sợ. Nhiều cảnh báo hỏa hoạn ở chung cư khiến chị càng… run.

“Có ngày cúng xong hết rồi mình mang vàng mã xuống đốt ở dưới chân chung cư. Hàng dài người đứng chờ khiến mình sợ. Lửa bốc lên ngùn ngụt, phải có bảo vệ đứng canh, nhìn khá là nguy hiểm nên mình bắt đầu thấy hoảng. Chồng mình ở trên nhà đợi mãi không thấy vợ lên, tưởng có chuyện gì còn lao xuống tìm.

Cỗ cúng xong nhưng mấy tiếng cả nhà chưa dọn được mâm cơm để ăn. Từ hôm đó, mình quyết định không đốt vàng mã nữa mà chỉ cúng cỗ mặn. Cá chép mình cũng không thả mà chỉ mua xôi cá chép tượng trưng. Ban đầu cũng thấy thiếu thiếu thứ gì đó nhưng rồi cũng quen. Không chỉ ngày ông Công ông Táo mà các ngày lễ khác mình cũng không cúng vàng mã”, chị Thanh chia sẻ.

Chuyên gia lý giải

Lý giải về ngày Tết ông Công ông Táo, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng có liên quan tới tục thờ bếp lửa. Tục thờ bếp lửa, coi bếp lửa như một vị thần có ở hầu hết cư dân trên thế giới. Từ khi con người biết sử dụng lửa để làm chín thức ăn, để sưởi ấm... thì bếp lửa là nơi bảo vệ, duy trì và nuôi dưỡng sự sống cho con người. Thờ tự và tín ngưỡng về bếp lửa là tất yếu trong tư duy cổ xưa.

Ở phương Đông, tục thờ bếp lửa được ghi chép rất sớm. Có 3 hình tượng được thờ tự cho Táo quân: Mặt trời (Viêm Đế), ngọn lửa (Chúc Dong) và người phụ nữ (Lão Phụ). Sau này, Táo Quân còn mang nhiều tên khác nhau nhưng 3 biểu tượng trên là cốt lõi.

Người Việt dựa trên cấu tạo ba hòn đá làm thành ông đầu rau mà sáng tạo ra sự tích hai ông một bà. Tên nhân vật thể hiện văn hoá bình dân, người nghèo: Trọng Cao (cơm), Phạm Lang (canh) và nàng Thị Nhi (nấu chín). Tôn vinh Táo Quân là tôn vinh bếp lửa, cơm canh và người phụ nữ.

Mỗi năm một lần, người Việt chọn ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông Táo về trời, tâu việc xấu tốt gia đình cho Ngọc Hoàng. Để được hạnh phúc an lành, người ta phải làm việc tốt, không làm việc xấu kẻo Trời “bắt tội”. Tín ngưỡng này dạy người ta sống tử tế.

Xưa nay, vào ngày 23 tháng Chạp, ngoài chuẩn bị mâm cỗ cúng, nhiều gia đình thường mua cá chép về thả và vàng mã về đốt.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, việc thả cá chép và đốt vàng mã thuộc 2 tín ngưỡng khác nhau, gần đây mới nhập làm một trong tục cúng ông Công ông Táo.

“Thả cá là tục phóng sinh thuộc tín ngưỡng Phật giáo, thực hành vào tháng Bảy âm lịch. Đốt vàng mã cúng cõi âm là tín ngưỡng Đạo giáo. Nhập hai cái vào nhau thì khó nói chuyện đúng sai vì tục lệ vốn hay pha trộn trong đời thường. Những người hiểu tín ngưỡng thì thấy nó lổn nhổn, không đâu vào đâu. Bỏ đi, chỉ cúng giỗ là tốt, là hành động có sự hiểu biết rõ ràng, cái gì ra cái ấy.

Việc nhiều người cúng ông Táo bằng cá chép, hoặc đốt cá chép làm vật cho Táo Quân cưỡi là do truyền thống để lại”, ông nói thêm.


Link gốc: https://vietnamnet.vn/nguoi-tre-bo-ca-chep-vang-ma-khoi-mam-cung-ong-cong-ong-tao-chuyen-gia-ly-giai-2246255.html

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG