Lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 ngày 4/6 ra tuyên bố nêu rõ như vậy.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ các yêu sách về lãnh thổ và tranh chấp biển phù hợp với luật pháp quốc tế”, Reuters đưa tin.
Reuters ngày 5/6 cho phát video clip ghi lại tàu Trung Quốc hung hãn đuổi theo và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là bằng chứng không thể chối cãi cho thấy thái độ, lối hành xử ngang ngược, bất chấp pháp lý và đạo lý của phía Trung Quốc.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các thượng nghị sĩ Pháp bày tỏ quan ngại về sự leo thang căng thẳng hiện nay tại biển Đông, mong muốn sớm tìm được giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định Thượng viện Pháp sẽ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Ngoại trưởng Pháp khẳng định, Pháp sẽ nỗ lực cùng Việt Nam thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong buổi tiếp quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow sáng 5/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao việc các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan ra Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar tháng 5; mong Thái Lan với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN khác tăng cường đoàn kết, cùng có tiếng nói chung trong các vấn đề an ninh và phát triển của khu vực.
Sắp có hội nghị ASEAN đặc biệt về biển Đông?
Indonesia vừa đề xuất tổ chức một hội nghị ngoại trưởng ASEAN đặc biệt về vấn đề biển Đông trước thềm hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN dự kiến vào tháng 8, Kyodo dẫn lời một nhà ngoại giao Philippines.
Philippines ủng hộ đề xuất của Indonesia, vì hội nghị này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng, ASEAN đặc biệt quan ngại về sự hung hăng ngày càng tăng, nhà ngoại giao Philippines nói.