Năm nay tiếp tục trình Bộ Chính trị
Bộ Chính trị vừa có kết luận về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thống nhất quan điểm trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Kết luận cũng đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này trong giai đoạn từ nay tới năm 2025; giai đoạn 2026-2030 khởi công các đoạn ưu tiên (đoạn Hà Nội - Vinh; TPHCM - Nha Trang); hoàn thành xây dựng toàn tuyến trước năm 2045.
Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Bộ GTVT tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định (theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023).
Đường sắt tốc độ cao của Tây Ban Nha (nước này đã bày tỏ mong muốn được hợp tác đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam). |
Như vậy, để đạt mục tiêu khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước năm 2030, trước mắt, Bộ GTVT phải hoàn thành Đề án chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này để trình Bộ Chính trị xem xét trong năm nay.
Nếu đề án trên được Bộ Chính trị thông qua, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT mới tiếp tục hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tiếp đó, nếu được Hội đồng Thẩm định nhà nước thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án và giao nhiệm vụ thực hiện.
Chủ trương đầu tư của Quốc hội thông qua sẽ xác định rõ nguồn vốn sử dụng, mục tiêu cần đạt được của dự án; phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư (đầu tư công, hợp tác công - tư...); công nghệ; nhu cầu sử dụng đất, giải phóng mặt bằng (hướng, tuyến); sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn; tiến độ...
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục về đầu tư, như báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình cấp thẩm quyền quyết định đầu tư. Khi có quyết định đầu tư, các bước thủ tục đầu tư còn lại sẽ được thực hiện, như chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công... tiến tới khởi công.
Trước đó, trả lời báo chí về ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trong nhiệm kỳ này, bộ sẽ tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau đó, Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu thiết kế, giải phóng mặt bằng, phấn đấu tới năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu đầu tiên của đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM.
Vẫn băn khoăn phương án khai thác
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam bắt đầu được khảo sát, nghiên cứu từ giai đoạn những năm 2006-2008, với sự hỗ trợ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Báo cáo tiền khả thi dự án đã từng được trình Quốc hội lần đầu năm 2010. Tuy nhiên, thời điểm đó còn nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết đầu tư, khả năng huy động nguồn lực, tác động của dự án đến nợ công… nên dự án trên chưa được thông qua.
Đường sắt cao tốc của Nhật Bản, nước này đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các bước nghiên cứu lập Báo cáo tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và mong muốn hợp tác thực hiện dự án này. |
Cuối năm 2019, trên cơ sở rà soát, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Chính phủ đã lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thực hiện thẩm định, hội đồng do Bộ KH&ĐT làm cơ quan thường trực. Do dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa từng được thực hiện trong nước, nên Bộ KH&ĐT đã thuê tư vấn độc lập để tiến hành thẩm tra báo cáo trên.
Tới nay, việc lựa chọn mục tiêu khai thác sau này của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ra sao để lựa chọn công nghệ vẫn chưa được quyết định. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT đệ trình đưa ra 2 phương án đầu tư theo định hướng khai thác.
Phương án 1, đầu tư tuyến đường sắt mới, tốc độ khai thác khi hoàn thành là 350km/h, chỉ khai thác tàu khách; trước mắt đầu tư đưa vào sử dụng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang- TPHCM với tốc độ khai thác tàu ban đầu 200km/h, tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD. Bộ GTVT nghiêng về chọn phương án này.
Phương án 2, đầu tư tuyến đường sắt khai thác tốc độ chạy tàu dưới 200km/h, khai thác hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng, tổng mức đầu tư 64,9 tỷ USD.
Sau khi tiến hành thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên của Bộ GTVT, tư vấn thẩm tra độc lập đề xuất đầu tư theo phương án 2 (đầu tư đường sắt mới, khai thác kết hợp tàu khách và hàng). Phương án này để đảm bảo khai thác tối đa hạ tầng đã đầu tư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tư vấn này đề xuất điều chỉnh tốc độ chạy tàu khách lên 225km/h, hướng tuyến tránh các khu dân cư… để giảm tổng mức đầu tư còn hơn 61,6 tỷ USD.
Gần đây, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Nhật Bản, Tây Ban Nha trong các buổi gặp lãnh đạo Bộ GTVT đã bày tỏ sự quan tâm, mong muốn được tham gia hợp tác đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Việt Nam.