Khi phóng viên đặt câu hỏi với Tổng cục Môi trường về vấn đề này thì được biết cả TPHCM không có một trạm quan trắc không khí nào nên không ghi nhận được tình hình cụ thể.
Trạm quan trắc không khí có nhưng không hoạt động là tình trạng phổ biến nhiều năm nay ở hầu khắp các địa phương. Hà Nội được đánh giá là thành phố ô nhiễm không khí nhất cả nước nhưng Thủ đô chỉ có một trạm quan trắc không khí tự động của Tổng cục Môi trường đặt ở 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên là hoạt động. Các trạm do Sở TN&MT Hà Nội quản lý đắp chiếu nhiều năm. TPHCM từng có 9 trạm quan trắc nay đắp chiếu vì xuống cấp, hỏng hóc.
“Không có trạm quan trắc, thành phố giống như bị mù. Biết là ô nhiễm đấy nhưng ô nhiễm như nào, mức độ bao nhiêu không biết, không có cơ sở khoa học để thực hiện những việc khác. Nhiều năm nay chúng tôi kiến nghị nhưng chưa có chuyển biến”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng chia sẻ với Tiền Phong.
Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2011-2015 chỉ ra ô nhiễm bụi đang là vấn đề báo động ở nước ta, nhất là ô nhiễm bụi mịn PM2.5-loại bụi có khả năng phát tán xa, xâm nhập sâu vào cơ thể, gây nên nhiều bệnh về hô hấp. Theo một nghiên cứu gần đây, hàm lượng bụi PM ở Hà Nội có thời điểm lên đến 90-105 µg /m3, nồng độ hằng năm là 60 µg/m3, cao gấp 6 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ô nhiễm không khí cũng đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Các đô thị lớn nước ta, số ngày không khí ở mức kém và mức xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, thậm chí có những ngày, ô nhiễm không khí suy giảm đến ngưỡng nguy hại. Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, hơn 30.000 người Việt Nam chết trẻ hằng năm vì liên quan ô nhiễm không khí.
Theo các chuyên gia, trước tình trạng ô nhiễm kể trên, đã đến lúc Việt Nam phải có mạng lưới quan trắc không khí đầy đủ, nhất là những thành phố lớn, vùng trọng điểm công nghiệp. Giống như bác sỹ, trước khi chẩn bệnh phải có các kết quả cận lâm sàng, muốn đánh giá được ô nhiễm không khí, phải có hệ thống quan trắc. Từ đó, mới có giải pháp. Vì thế, thông tin Hà Nội chuẩn bị đưa vào vận hành 20 trạm quan trắc là đáng mừng, nhất là khi thành phố có tỷ lệ bệnh nhân mắc hô hấp cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, lật lại vấn đề, chúng ta từng có hệ thống quan trắc không khí ở các thành phố nhưng các trạm quan trắc này hoạt động được vài năm rồi cầm chừng hoặc ngưng hẳn. Lý do chính là thiếu kinh phí hoạt động. Cơ chế tài chính cho hoạt động quan trắc ở Việt Nam chưa phù hợp, lại thiếu thốn nên khi trạm quan trắc hỏng cái này, cái kia, phải mất cả vài tháng mới thay được, cũng có khi không được thay. Số liệu quan trắc phập phù, bập bõm, không đủ cơ sở để đánh giá hiện trạng một cách toàn diện. Trạm quan trắc không khí tự động duy nhất đang hoạt động ở Hà Nội cần kinh phí 1 tỷ đồng một năm. Vậy mà năm nào cũng thiếu, phải hoạt động cầm chừng.
Đầu tư trạm quan trắc là đáng mừng nhưng duy trì được trạm quan trắc hoạt động thường xuyên, ổn định mới là vấn đề quan trọng nhất. Số tiền một tỷ đồng một năm để duy trì một trạm quan trắc chưa biết là nhiều hay ít nhưng chắc chắn cần thiết và phải có nếu muốn tránh tình trạng đem con bỏ chợ, đầu tư đấy, hoành tráng đấy rồi lại bỏ đấy như từng diễn ra.