Khánh thành Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà:

Bước đi mới trong xử lý ô nhiễm môi trường

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (thứ 4 từ phải qua) kiểm tra quá trình xử lý nước thải.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (thứ 4 từ phải qua) kiểm tra quá trình xử lý nước thải.
TP - Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã khẳng định như vậy khi phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (do Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền làm chủ đầu tư), huyện Hoài Đức, Hà Nội vào sáng ngày 8/10. Đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2016)…

Công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng

Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà có công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với các dây chuyền thiết bị tự động hóa hoàn toàn được nhập khẩu từ châu Âu. Đây cũng là công trình xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn đầu tiên của Hà Nội áp dụng công nghệ xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tận dụng bề mặt các bể xử lý sinh học để lắp đặt thiết bị pin năng lượng mặt trời phát điện công suất 200 KW/ngày, đảm bảo cung cấp đủ toàn bộ điện năng cho hoạt động của Nhà máy.

Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và trong đó phần lớn các làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm hết sức nhức nhối. Huyện Hoài Đức nằm trên lưu vực sông Nhuệ là địa bàn tập trung nhiều làng nghề truyền thống phát thải lưu lượng nước thải lớn, có nồng độ chất ô nhiễm cao; đặc biệt là khu vực 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai sản xuất các sản phẩm miến, bún...

Phát biểu tại Lễ Khánh thành, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh: Việc Khánh thành Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức thể hiện sự quyết tâm của thành phố trong cải thiện môi trường sống cho người dân. “Trên cơ sở kết quả, hiệu quả đầu tư dự án xã hội hóa trong xử lý nước thải làng nghề, UBND Thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình đầu tư tại các khu vực làng nghề trên toàn địa bàn Thành phố”, ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Bước đi mới trong xử lý ô nhiễm môi trường ảnh 1

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà (bên trái) đánh giá cao hoạt động của nhà máy.

Bước đi mới trong xử lý ô nhiễm

Nhận xét về mô hình xã hội hóa trong xử lý ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Dự án này thể hiện trách nhiệm, sự cống hiến với cộng đồng của doanh nghiệp.

Trực tiếp đi thăm, tìm hiểu hoạt động của nhà máy, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Khánh thành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, sự kiện có nhiều ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề môi trường bức xúc đang diễn ra, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Việc áp dụng mô hình kêu gọi nhà đầu tư xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường là bước đi mới, quyết liệt của TP Hà Nội, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn đang là vấn đề bức xúc, đã và đang đe dọa đến đời sống và sức khỏe người dân. Nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả thẳng vào các lưu vực sông, ao, hồ dẫn đến những dòng sông chết và những ao, hồ bị bức tử. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh nhưng chưa có các giải pháp đồng bộ về xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

“Ngay tại Thủ đô của chúng ta, nhiều dòng sông đã từng gắn với những giá trị lịch sử nghìn năm văn hiến, là điểm nhấn cảnh quan đô thị và cũng là nguồn sinh kế của bao thế hệ người dân đang dần biến mất và trở thành nỗi ám ảnh về ô nhiễm môi trường...”, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nói. 

“Việc áp dụng mô hình kêu gọi nhà đầu tư xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường là bước đi mới, quyết liệt của TP Hà Nội, không chỉ xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội nói riêng, mà công trình còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói chung”, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nói.

MỚI - NÓNG