Đối mặt đủ khó khăn, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn giảm thuế, lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM mới đây cho thấy, có tới 41,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh… Để vượt qua khó khăn, các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất, giảm thuế,

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, đại diện Sở Công Thương tỉnh Nam Đỉnh cho biết, Tỉnh Nam Định đã tập trung nhiều giải pháp, chính sách, chương trình để khuyến khích, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Số liệu của Sở Công Thương cho thấy, trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Nam Định đã có bước tiến nhất định. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất được phản ánh đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chính là việc khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Việc chưa đặt được chân vào những khâu sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng cũng khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh khó phát triển mạnh.

Như lĩnh vực dệt may, dù được coi là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh với gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp nhưng song phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cũng chỉ tham gia ở các khâu ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị là gia công. Hiện mới có một vài doanh nghiệp dệt may có tham gia sản xuất nguyên liệu nhưng cũng mới chỉ tự chủ được khoảng 30% nguyên liệu, còn lại phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu tới 70%.

Do quy mô nhỏ, giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, năng lực quản lý, sản xuất công nghệ lạc hậu, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng dành cho công nghiệp hỗ trợ trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường rất lớn.

Theo thống kê, tính đến quý I năm 2023, dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 630,6 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn là 571 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 59,6 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, với các doanh nghiệp ngành dệt may, khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt thiếu đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng giảm sút… là những khó khăn mà các doanh nghiệp trong dệt may và cả May 10 đang phải đối mặt trong các tháng đầu năm 2023 đến nay.

Theo ông Việt, hiện các doanh nghiệp ngành dệt may đang bị ảnh hưởng tương đối lớn của việc thiếu vốn để hoạt động. Việc Chính phủ có những giải pháp điều hành rất quyết liệt trong việc giảm lãi suất, thậm chí việc áp đặt lãi suất huy động không được quá 9,5% và yêu cầu cho vay bắt buộc phải giảm từ 0,5 - 1%... đây là tín hiệu rất mừng cho các doanh nghiệp dệt may.

Doanh nghiệp đối mặt thiếu vốn để hoạt động xuất phát từ việc cùng với thiếu đơn hàng, các khách hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã có thông báo giãn thời gian giao hàng và thời hạn trả nợ khiến cho thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp bị kéo dài trong bối cảnh nhu cầu vốn lưu động để trả lương cho người lao động, tăng đầu tư để chuyển đổi sản xuất đáp ứng các yêu cầu sản xuất xanh của doanh nghiệp gia tăng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với áp lực cân đối dòng tiền.

Đối mặt đủ khó khăn, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn giảm thuế, lãi suất cho vay ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp cơ khí cho biết đang đối mặt thiếu đơn hàng và mong muốn được giảm lãi suất cho vay để vượt qua khó khăn. Ảnh: Như Ý

Các doanh nghiệp ngành dệt may đã kiến nghị ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế để hỗ trợ tốt hơn cho ngành dệt may. Trong đó, cần có chính sách ưu đãi về nguồn lực cho ngành dệt may chuyển đổi sản xuất bền vững trong bối cảnh dư nợ dành cho ngành dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi rất lớn.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), doanh nghiệp dệt may đang gặp phải những khó khăn như thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Cùng với thiếu đơn hàng, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2% do cạn kiệt tài sản để thế chấp. Nhiều doanh nghiệp dệt may có tài sản thế chấp nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp nên được định giá rất thấp.

Ông Hưng cho biết, thông qua các cuộc khảo sát của HUBA, có tới 41,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%. Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ là 41,2%.

Cần giảm lãi suất, hỗ trợ hoàn thuế

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí tại Khu Công nghiệp Nam Hà Nội cho hay, để phát triển, mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thường cần vay vốn trung và dài hạn, trong khi ngân hàng thường chỉ cho doanh nghiệp vay ngắn hạn. Với các rào cản này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận nguồn vốn càng khó khăn hơn.

Cần sớm giải bài toán lãi suất cao để hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất nói chung, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, là kiến nghị của ông Ngô Sách Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí Sao Việt. Theo ông Vinh, năm 2023 sẽ khó khăn hơn với doanh nghiệp do nhiều khách hàng giảm sản lượng, giảm đơn hàng. Trở ngại lớn nhất lúc này với doanh nghiệp ngành cơ khí vẫn là lãi suất cho vay. “Hiện doanh nghiệp “cơ khí đối mặt rất nhiều khó khăn trong khi lãi suất cao, từ 12-13%/năm, khách hàng giãn tiến độ nhận hàng, chậm thanh toán nên khi tiền về tài khoản, doanh nghiệp gần như không còn lãi”, ông Vinh cho hay.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí Sao Việt, đặc thù của công nghiệp hỗ trợ là chi phí đầu tư lớn, máy móc giá trị cao, thời gian hoàn vốn dài, nên doanh nghiệp trong ngành rất mong mỏi được hỗ trợ. Để doanh nghiệp có thể quay vòng vốn, vượt qua khó khăn lúc này, theo ông Vinh, cần hỗ trợ việc hoàn ngay thuế giá trị gia tăng với máy móc, thiết bị nhập khẩu dùng cho sản xuất. Việc chậm hoàn thuế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn lớn. “Đầu tư 200 tỷ đồng thì đọng 20 tỷ đồng tiền thuế thì doanh nghiệp không còn vốn làm ăn”, ông Vinh cho hay.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.