Trao đổi với PV Tiền Phong đầu năm mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng, năm 2021 và các năm tới, Bộ Công Thương sẽ phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, giải pháp để gia tăng giá trị cho xuất khẩu của Việt Nam. Ông cũng nói, còn thấy đáng tiếc và day dứt câu chuyện về tổ chức, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), để làm sao DN có thái độ tích cực và chủ động hơn trong bối cảnh hội nhập.
Với vai trò là Bộ trưởng Công Thương, ông từng đề cập việc Việt Nam đang có những “nút thắt” khi hội nhập. Vậy những nút thắt này đã được nhận diện thế nào?
Với vấn đề hội nhập, quá trình tổng kết cho thấy, còn một số việc mà chúng ta cần tập trung để giải quyết cho được. Trước tiên là thông tin, đặc biệt là những thông tin cụ thể gắn với chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đầu tư kinh doanh của DN từ những khung khổ hội nhập này chưa được cụ thể hóa, chưa được cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời.
Vấn đề nữa là bản thân cộng đồng DN do hạn chế về quy mô, về tiềm lực, về nguồn lực, nhân lực nên cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ cho chiến lược hội nhập. Cùng đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp còn chưa được bảo đảm, nhất là khâu tổ chức như hoàn thiện hệ thống luật, cơ sở pháp lý từ những cam kết hội nhập.Vẫn còn chậm trễ và không được đồng bộ trong triển khai chính sách. Điều này làm cho cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể khác không khai thác được lợi thế và thậm chí trong nhiều trường hợp còn chịu những thiệt hại do cạnh tranh trong hội nhập.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh“Năm 2021 cần có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, kịp thời hơn nữa của Chính phủ và các cơ quan chức năng để chúng ta đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh phát triển thị trường hơn nữa, đặc biệt là trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do cũng như hội nhập theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa và đẩy nhanh hơn nữa việc tham gia vào các chuỗi cung ứng. Từ kết quả đó sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tổ chức lại các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp…”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Nhưng để khai thác được những điều kiện, cơ hội hội nhập này, quan trọng là nội lực của ta phải phát triển và phải dựa trên nền tảng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Vì vậy cả ngành nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế khác cần được sớm tái cơ cấu để đảm bảo quy mô của ngành sản xuất đó…
Đây là những nút thắt mới cần được giải quyết và rõ ràng, chỉ có sự vào cuộc một cách đồng bộ, nhất quán của tất cả các bộ, ngành từ trong xây dựng luật pháp, hoàn thiện thể chế cho đến thực thi các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhất là trong các chương trình hành động thực thi các hiệp định thương mại tự do mới giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề này.
Là người đứng đầu Bộ Công Thương và là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông có trăn trở gì với lĩnh vực xuất khẩu cũng như những việc mà ngành Công Thương sẽ phải giải quyết thời gian tới?
Hoạt động xuất khẩu đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm qua, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ để đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020.
Việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều thuận lợi tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại.
Vẫn còn nhiều DN chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa rồi, cá nhân ông thấy còn điều gì chưa thực sự hài lòng?
Đây là câu hỏi khó. Cá nhân tôi, cùng các đồng nghiệp tại Bộ Công Thương cũng như trong Chính phủ sẽ vẫn còn có điều chưa hài lòng. Một là, mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt và tương đối đồng bộ nhưng vẫn chưa làm hết, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu. Vẫn còn có những vấn đề trong sự phối hợp, sự đồng bộ giữa các cơ quan, nhất là giữa các bộ, ngành, các cơ quan chính phủ.
Hai là, tôi thấy đáng tiếc và day dứt câu chuyện về tổ chức, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ DN, để làm sao DN có thái độ tích cực và chủ động hơn trong bối cảnh của môi trường hội nhập. Chúng ta đã có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thử hỏi trong cộng đồng DN, nhất là khối DN nhỏ và vừa có bao nhiêu DN thực sự hiểu rõ và sẵn sàng cho môi trường hội nhập? Bao nhiêu DN hiểu thấu đáo và nắm được những thách thức, cơ hội từ những FTA để chủ động trong chiến lược và kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh? Việc này còn rất hạn chế, chính vì vậy, chúng ta vẫn bị động… Nguyên nhân thì còn nhiều, nhưng Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.
Cảm ơn ông.