Theo đại diện VASI, dù Chính phủ đã ban hành không ít chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển của công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay, các cơ chế này vẫn chưa phát huy được nhiều tác dụng do doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành cần có những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận tín dụng tốt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất.
Cùng với đó, các bộ, ngành cần sớm đưa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển…. Các bộ, ngành tạo thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam với công ty nước ngoài…
Theo phản ánh của các doanh nghiệp hỗ trợ, tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ưu đãi là hai vấn đề được các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt quan tâm. Thực tế, dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc công nghệ nước ngoài về sản xuất các sản phẩm linh kiện thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu đề ra do có quá nhiều thủ tục cũng như yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng.