Doanh nhân chăn bò… mê hoa hậu

Trung tuần tháng Mười hàng năm, Mộc Châu lại tổ chức “Hoa hậu bò sữa”. Trong ảnh, doanh nhân Trần Công Chiến trao vương miện “Hoa hậu bò sữa” và phần thưởng cho gia đình có bò “đăng quang”.
Trung tuần tháng Mười hàng năm, Mộc Châu lại tổ chức “Hoa hậu bò sữa”. Trong ảnh, doanh nhân Trần Công Chiến trao vương miện “Hoa hậu bò sữa” và phần thưởng cho gia đình có bò “đăng quang”.
TP - “Chăn bò là cái nghiệp của mình”- đó là cách nói dân dã, gần gũi nhưng cũng rất có nghề của vị Chủ tịch, Tổng giám đốc Mocchaumilk –ông Trần Công Chiến.

Ông được xem là vị doanh nhân “chăn bò”… mê hoa hậu, vì một nhẽ, cứ đến trung tuần tháng Mười hàng năm, ông lại tổ chức thi “Hoa hậu bò sữa” nhằm tôn vinh người chăn nuôi, cùng con bò sữa –con vật giúp nhiều người đổi đời, thành tỷ phú trên thảo nguyên trù phú vùng Tây Bắc.

Giúp nông dân bằng “cây gậy thần”

Ông Chiến chia sẻ rằng, ở Mộc Châu, nếu mất đi cây chè, con bò sữa và sương mù, thì không còn là Mộc Châu nữa! Quả thật, với lợi thế về điều kiện khí hậu ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, thổ nhưỡng… Mộc Châu được quy hoạch là một trong những trung tâm chăn nuôi bò sữa lớn nhất cả nước.  Ðến nay, chăn nuôi bò sữa theo nông hộ ở Mộc Châu (Sơn La) đang là mô hình được đánh giá rất thành công hiện nay ở nước ta. Ðể chuyển hóa lợi thế đó, có công lớn của ông Chiến.

Một trong những dấu ấn đột phá của ông Chiến, chính là người tiên phong thực hiện bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa, giúp nông dân vững tin, phát triển đàn bò, gắn bó lợi ích Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Quả thật, trong khi cả nước đang loay hoay với bảo hiểm nông nghiệp (trong đó có bảo hiểm vật nuôi), thì ông Chiến đã cho “chạy” mô hình bảo hiểm bò sữa và giá sữa hơn chục năm (thực hiện từ năm 2004). Mô hình của ông Chiến, không ít người ví von là “cái gậy thần” của người nông dân.

PGS. TS Nguyễn Ðăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, bảo hiểm vật nuôi, giá sữa ở Mộc Châu do các hộ chăn nuôi đóng góp và họ tự quản lý lấy, để hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro là cách làm rất khác biệt. “Chắc chắn phải có sự hướng dẫn, giám sát rất rõ ràng, minh bạch, tạo lòng tin rất tốt thì mới thành công như vậy”- ông Vang nói.

Quả thật, cách làm của ông Chiến khiến nhiều đơn vị chăn nuôi ước ao. Ðến nay, 100% các hộ nuôi bò đều tham gia bảo hiểm. Ông Chiến chia sẻ, thời gian đầu, rất khó để kêu gọi người dân đóng 100 nghìn đồng vào quỹ, vì cứ nghĩ nộp là mất tiền. “Chúng tôi phải vận động, bằng nhiều chính sách để khuyến khích người chăn nuôi tham gia. Chẳng hạn, ai tham gia bảo hiểm sẽ được ưu tiên trong các chính sách ưu đãi từ công ty như trợ giá thức ăn, thưởng giá sữa, đi thăm quan, nghỉ mát...”- ông Chiến nói.

“Làm cái gì cũng phải yêu quý cái ngành nghề của mình, tâm huyết, tôn trọng sản phẩm của mình làm ra. Tôi nói với anh em là, mình không ăn được sản phẩm của mình thì đưng bắt người khác ăn, chứ chưa nói đến thu tiền của họ”- ông Trần Công Chiến, Chủ tịch, Tổng giám đốc Mocchaumilk.

Theo ông Chiến, thực ra, bảo hiểm chính là cách để công ty chia sẻ những rủi ro với người chăn nuôi, là mô hình hiện đại trên thế giới. Nông dân chỉ cần đóng đóng 600 nghìn đồng/năm tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng, bò thải loại được đền bù 10 triệu đồng. Số tiền đó, cộng với tiền bán thịt bò khoảng 8 triệu đồng, sẽ đủ mua một con bê thay thế. Ngoài ra, với chính sách bảo hiểm giá sữa, nông dân chỉ cần đóng 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá quá thấp, sẽ được trợ giá 60% số tiền chênh lệch.

Có lẽ, trong lúc giá sữa trên thế giới đang xuống kỷ lục, nhiều công ty sữa giảm giá tiền thu mua sữa cho nông dân, thì Mộc Châu đã có ngay “cây gậy thần” hỗ trợ cho người dân. Ông Chiến cho rằng, bảo hiểm thành công vì Quỹ được công khai, minh bạch, và quan trọng là người dân được quyền tự bầu ban quản lý quỹ, có quy chế hoạt động. Ðến nay, tổng quỹ bò sữa và giá sữa đã hơn 20 tỷ đồng. Trong lúc vốn này nhàn rỗi, họ cho Cty vay để sản xuất và trả với mức lãi suất bằng lãi suất của ngân hàng.

Cùng với bảo hiểm, ông Chiến còn cho triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khác về thức ăn, giống, kỹ thuật, tiền thưởng… cho người nuôi. Ðặc biệt, Mộc Châu đã đầu tư nhà máy thức ăn hỗn hợp dinh dưỡng cao TMR, có thể tạo ra khẩu phần ăn tốt nhất cho con bò ở từng giai đoạn. Nhờ đó, bò được nâng cao dinh dưỡng, giúp năng suất sữa của đàn bò đạt 5,8 - 7 tấn/chu kỳ. Mộc Châu hiện có những bò cao sản vắt sữa 3 lần/ngày đạt 9- 11 tấn/chu kỳ; năng suất sữa đạt 35 - 40 kg/con/ngày, con cao nhất đạt 76 kg/con/ngày.

Theo vị chủ tịch Mocchaumilk, một thế hệ những người chăn nuôi bò sữa mới, trong đó nhiều tỷ phú trẻ đã xuất hiện trên thảo nguyên Mộc Châu. Tại công ty, trên 40% là những hộ gia đình trẻ. Ông Chiến cho biết, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện việc khoán hộ, nâng quy mô hộ bình quân lên 35 - 50 con/hộ, trong đó nâng số hộ nuôi từ 80 - 100 con/hộ chiếm 25 - 30%. Mộc Châu dự kiến đến hết năm 2015 lên gần 20.000 con bò sữa, với sản lượng sữa đạt 100.000 tấn; đến năm 2020 đạt 35.000 - 40.000 con, sản lượng sữa đạt 180.000 đến 200.000 tấn…

Ông Chiến cũng tự tin rằng, trong tương lai không xa, Mộc Châu sẽ sản xuất sữa hữu cơ. Cùng với quá trình tiến lên đó, Mộc Châu sẽ đầu tư trồng thêm cây xanh, hoa và nhằm bảo vệ môi trường trong lành của Thảo Nguyên, phát triển du lịch.

Mê… hoa hậu!

Khoảng chục năm trước, khi nói đến “hoa hậu bò sữa”, không ít người buồn cười, nghe cũng lạ lạ tai, thậm chí có cả thành kiến về câu chữ. Nhưng nay, hội thi đã trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu trên thảo nguyên Mộc Châu. Hội thi chính là một sáng kiến độc đáo của ông Chiến, nhằm tôn vinh người chăn nuôi, thúc đẩy các hộ nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản, đẹp nhất về hình thể, đạt mức sinh trưởng cao và cho sản lượng sữa cao nhất.

Ông Chiến chia sẻ, có lần lãnh đạo Sơn La công tác ở một địa phương phía Nam, thấy họ cũng tổ chức cuộc thi hoa hậu bò sữa, liền gọi điện về cho ông để hỏi về vấn đề “bản quyền”. Ông Chiến cười và báo lại, lãnh đạo yên tâm vì “Công ty đã đăng ký bản quyền ở Cục Sở hữu trí tuệ rồi, nên không thể ai đánh cắp bản quyền “Hoa hậu bò sữa” Mộc Châu được đâu”.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, Mộc Châu không muốn hoa hậu bò sữa là sân chơi của riêng mình. Việc tổ chức một cuộc thi hoa hậu bò sữa quy mô cả nước là rất khó, nhưng vùng thì có thể làm được. Với cuộc thi ở Mộc Châu hằng năm vào trung tuần tháng 10, Mộc Châu hỗ trợ các hộ nuôi bò ở Ba Vì (Hà Nội), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có thể đem những “cô” bò ưu tú nhất của mình đi thi.

Theo ông Chiến, cái được lớn nhất là cuộc thi đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tôn vinh người nông dân tạo ra các sản phẩm sữa chất lượng cao cho xã hội, tạo công ăn việc làm và đem lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều người dân Mộc Châu, đưa Mộc Châu trở thành một trung tâm nuôi bò sữa lớn của cả nước.

***

Không “ồn ào” quảng cáo, PR như nhiều hãng sữa khác, ông Chiến hẳn có lối đi của riêng mình trong bối cảnh thị trường sữa nhiều đối thủ cạnh tranh. Có lẽ, từ sự ưu đãi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, không ngừng đổi mới về công nghệ và lợi ích luôn được chia sẻ, hướng đến cộng đồng, ông Chiến tin rằng, dòng sữa mát lành từ những con bò sữa trên thảo nguyên Mộc Châu chính là cơ sở, niềm tin lớn nhất để người tiêu dùng tìm đến với các sản phẩm của Mocchaumilk.

MỚI - NÓNG