Theo đó, giá trúng cao nhất và thấp nhất cùng giá 86,05 triệu đồng/lượng với 34 lô. Đây là phiên gọi thầu lần thứ 5 của Ngân hàng Nhà nước và là phiên thứ 2 được diễn ra sau 3 lần hoãn với khối lượng vàng không thay đổi 16.800 lượng. Giá cọc được đưa ra 85,3 triệu đồng/lượng, tăng 4,6 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần 1.
Phiên đấu thầu này, khối lượng đặt thầu tối thiểu đã giảm còn bằng một nửa so với các phiên đấu thầu tổ chức trước đó. Cụ thể, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng) thay vì tối thiểu 14 tương (đương 1.400 lượng vàng) như các phiên trước. Khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên vẫn là 2.000 lượng, bằng với các phiên trước.
Phiên đấu thầu diễn ra lần 2 vẫn "ế" 13.400 lượng vàng. |
Phiên thành công ngày 23/4 có kết quả 34 lô vàng miếng SJC được bán, tương ứng với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính ra đến nay, 2 doanh nghiệp trúng thầu phiên đấu thành công lần 1 là SJC và ACB đến nay lãi hơn 5 triệu đồng/lượng so với giá trúng thầu hôm nay và hơn 6 triệu đồng/lượng so với giá thị trường.
Giá vàng miếng SJC sau khi giảm nhẹ phiên giao dịch sáng nay, vào lúc 14h30 giá vàng quay đầu tăng lại mốc lịch sử sau kết quả phiên đấu thầu. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 85,2-87,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối giờ sáng. Giá vàng nhẫn giữ nguyên mức 73,35-75,05 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Bảo Tín Minh Châu cũng tăng 100 nghìn đồng/lượng lên 85,55-87,5 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới quay đầu giảm còn 2.304 USD/ounce, giảm 10 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Quy đổi theo tỷ giá USD hiện hành, giá vàng thế giới tương đương với khoảng 71 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Kim loại quý vẫn chịu áp lực trước đồng USD mạnh. Như vậy, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều "ế ẩm" bởi giá cọc cao và khối lượng đấu thầu lớn.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/5, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết, không nên đấu thầu vàng vì mục tiêu đấu thầu vàng để kéo giá xuống sẽ không thành công. Hiện, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới là điều "phi lý".
Ông Nghĩa cho rằng, muốn kéo giá vàng SJC xuống chỉ có cách cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc này không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm tỷ giá cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD.
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 71 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 71 triệu đồng/lượng và bán ra 72 triệu đồng/lượng. Bán ra với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.
"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có "hại" cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy, nguyên tắc đấu thầu để giảm giá chẳng có cách nào khác là tăng nguồn cung bằng cách cho phép các đơn vị kinh doanh vàng xuất nhập khẩu tự do và quản lý bằng thuế", ông Nghĩa nói.
Từ việc giá vàng tăng "nóng", xô đổ mọi kỷ lục trong thời gian qua và có mức "chênh" lớn so với giá vàng thế giới, ông Nghĩa cho rằng ngoài lý do nguồn cung chưa có sự thay đổi nào, một lý do khác đó là việc “độc quyền” không cho nhập khẩu của cơ quan quản lý.