Lại hủy đấu thầu vàng, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng sáng nay do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Chuyên gia cho rằng nếu không thay đổi cách thức đấu thầu sẽ không có đơn vị nào tham gia.

Theo kế hoạch, 9h sáng nay Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Đây là lần thứ 3 Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu sau 4 lần gọi thầu. Đến nay, có một lần tổ chức đấu thầu thành công nhưng “ế” tới 13.400 lượng vàng. Hiện chỉ có hai đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng.

Lại hủy đấu thầu vàng, vì sao? ảnh 1

Ngân hàng Nhà nước 3 lần huỷ đấu thầu vàng miếng SJC (ảnh: Như Ý).

Các thông tin, quy chế đấu không thay đổi so với các phiên trước đó. Khối lượng đấu thầu mà một đơn vị tham gia tối thiểu 1.400 lượng và tối đa 2.000 lượng. Đơn vị tham gia cọc 10%. Tuy nhiên, giá tham chiếu để tính cọc 82,9 triệu đồng/lượng, tăng 2,2 triệu đồng/lượng so với thông báo đấu lần 1.

Trước phiên đấu thầu sáng nay giá vàng miếng SJC tăng mạnh. Vào lúc 11h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 83,2 - 85,5 triệu đồng/lượng, tăng 400.00 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng 400.000 đồng/lượng lên mức 83,35 - 85,25 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Việc đấu thầu vàng ngay từ điều kiện ban đầu không hợp lý. Khối lượng đặt thầu cho một đơn vị lên tới 1.400 lượng. Với giá cọc ban đầu, một đơn vị phải bỏ ra tầm 100 tỷ đồng, chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu vừa và nhỏ. Việc này dẫn đến cạnh tranh không công bằng. Thậm chí ta có quyền đặt câu hỏi có lợi ích nhóm nào ở đây không khi đưa ra những điều kiện cao như vậy", ông Long nói.

Ông Long đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng gồm quy định khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu. Phiên đấu thầu không thu hút được doanh nghiệp tham gia cũng vì những điều kiện nói trên.

"Chỉ có một lần thành công nhưng đến 80% lượng vàng đấu thầu phiên đầu tiên bị ế là vấn đề đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Nếu trúng thầu, doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Như vậy, với mức giá khởi điểm đưa ra, đấu thầu không những không hạ nhiệt được giá vàng trong nước mà giá lại còn bị đẩy lên", ông Long nói.

Theo ông Long, Ngân hàng Nhà nước chỉ việc cân nhắc giá đấu sao cho hợp lý để giải bài toán cung vàng và kìm giá. Ông Long nhấn mạnh giải pháp duy nhất là tăng nguồn cung. Hiện, giá vàng thế giới tính cả thuế phí chỉ khoảng hơn 74 triệu đồng/lượng. Việc đấu thầu vàng bằng cách Ngân hàng Nhà nước nhập vàng vào thời điểm này phải tính bằng giá trên mới hấp dẫn các đơn vị tham gia. Còn nếu tính giá cọc như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục không bỏ thầu.

“Ở lần đấu thầu 11 năm trước, Ngân hàng Nhà nước quy định khối lượng tối thiểu là 500 lượng. Như vậy vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia, qua đó tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường. Theo tôi nên áp dụng quy định khối lượng tối thiểu như vậy. Nếu không các doanh nghiệp vàng sẽ rất cân nhắc", ông Long nói.

Hầu hết các đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với giá sàn do Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại các phiên đấu thầu. Đại diện các bên tham gia và giới chuyên gia cho biết mức giá sàn đấu thầu vàng miếng quá cao, khiến doanh nghiệp rủi ro khi phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.