Tham gia… cho biết
Tham gia bán hàng kết nối ngày 25/11 ở Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM, đại diện Công ty TNHH MTV Bơ sáp Mã Dưỡng (tỉnh Bình Phước) cho biết, đây là lần đầu tiên tham gia kết nối. Theo DN này, bơ sáp của công ty đã được chứng nhận thương hiệu ASEAN, bước đầu đã phân phối tại một số cửa hàng tiện ích ở TPHCM. “Mong muốn của công ty là đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị ở TPHCM. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ ký bản ghi nhớ. Bởi, sau ký kết còn phải thực hiện hàng loạt các yêu cầu khác. Do đó, lần này chúng tôi tham gia chỉ để… cho biết” - vị này nói.
Nhiều năm trong nghề sản xuất bò viên, cá viên cung ứng cho tiểu thương tại TPHCM, song bà Nguyễn Thị Minh (ngụ phường Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân) cũng lắc đầu từ chối tham gia cung hàng cho các tỉnh: “Mặc dù sản xuất đã lâu, chất lượng đảm bảo nhưng chúng tôi vẫn sản xuất thủ công quy mô nhỏ lẻ. Hơn nữa, sản phẩm không có thương hiệu, bao bì không bắt mắt thì ai dám đứng ra bảo lãnh cho mình”. Bà Minh cũng hiểu rõ đây là cơ hội rất tốt để quảng bá sản phẩm, nhưng theo bà, đó chỉ là “sân chơi” cho các “đại gia” những thương hiệu lớn.
Đa số các DN tham gia hội nghị đều bày tỏ mong muốn đưa hàng vào siêu thị. Muốn là vậy, nhưng hiện nay, việc kết nối với hệ thống siêu thị và các kênh phân phối còn gặp nhiều khó khăn. Theo các DN, chi phí chiết khấu của các hệ thống siêu thị khá cao 15-20% (tùy siêu thị), chưa kể mỗi năm hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng mức chiết khấu 0,5-2%. Chi phí cho các nhãn hàng mới, mặt bằng tại hệ thống siêu thị cũng khá “chát”... Ngoài ra, DN còn phải chi thêm những khoản chi phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ.
Bà Bùi Thị Ba - chủ nông trang Hải Âu (Long An) là cơ sở tư nhân hiếm hoi có mặt tại hội nghị trong khi, sản phẩm của nông trang này hiện đã xuất khẩu sang Malaysia, Singapore và nhiều khách sạn, siêu thị lớn tại TPHCM. Chia sẻ với PV Tiền Phong, bà bộc bạch: “Hộ sản xuất, nuôi trồng tham gia những chương trình kết nối tỉnh thành phải cố gắng rất nhiều thì mới có kết quả... Đây chính là những khó khăn mà không phải DN nào cũng đáp ứng được”.
Nhiều doanh nghiệp “gãy gánh”
Đã có hàng trăm DN sản xuất và phân phối gặp nhau trong chương trình kết nối cung-cầu. Vậy nhưng, không phải DN nào được ký kết hợp đồng cũng có tương lai tươi sáng. Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: “Đến thời điểm này còn gần 200 hợp đồng nguyên tắc không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của vùng vẫn chưa vào được hệ thống phân phối hiện đại do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa, bao bì sản phẩm, mẫu mã chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của hệ thống phân phối và tiêu thụ”.
Để nông dân, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có điều kiện đưa hàng vào siêu thị, nhà hàng, trường học… đơn vị phân phối đều cho rằng, các hộ này cần tham gia chuỗi liên kết hoặc trở thành thành viên của các HTX. Có như vậy mới sản xuất được những lô hàng đủ tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Đối với lĩnh vực mặt hàng tươi sống hằng ngày mùa cao điểm, Co.op sẽ tạm ứng kinh phí để hỗ trợ bà con tập trung sản xuất; phối hợp với các DN, HTX làm nhãn hàng riêng cho siêu thị; có nhiều chương trình khuyến mãi đối với người tiêu dùng để kích cầu mua sắm…”.
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, chương trình này đã giúp việc tiêu thụ thông suốt hơn, hàng hóa địa phương nhờ đó mà tiếp cận được với người tiêu dùng thành phố. Người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng hơn.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM sẽ kêu gọi, khuyến khích DN của các tỉnh, thành có năng lực, uy tín tham gia đầu tư phát triển hệ thống phân phối, các điểm bán liên kết xen kẽ trong khu dân cư, khu lưu trú công nhân. Bên cạnh đó tập trung xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, HACCP.